1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

ĐBSCL:

Quốc lộ 91 ngốn gần chục tỷ đồng gia cố sụt lở mỗi năm

(Dân trí) - Ở ĐBSCL, có lẽ hiếm con đường nào lở nhiều, gia cố nhiều… như quốc lộ 91 đi từ TP. Cần Thơ đến An Giang. Vì thế, hàng năm bắt đầu vào mùa mưa, lũ… khúc ca “lở rồi gia cố” lại tái diễn, không biết đến khi nào mới kết thúc!

Mỗi năm đổ gần 7 tỉ xuống sông

Theo Công ty Cổ Phần Đầu Tư & Xây Dựng Công Trình Giao Thông 73 – đơn vị trực tiếp quản lý tuyến Quốc lộ 9, con đường bắt đầu từ vòng xoay Cái Khế (TP.Cần Thơ) và điểm cuối là cửa khẩu Tịnh Biên, (tỉnh An Giang) với chiều dài 142 km. Trên tuyến quốc lộ này, hàng năm có hơn chục vụ sạt lở, đáng lưu ý là những đoạn, từ Km20+800 - Km27, Km30 - Km36 (thuộc quận Ô Môn TP.Cần Thơ), Km79 – Km106 thuộc huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Cụ thể, tại Cần Thơ (đoạn từ cầu Ô môn đến quận Thốt Nốt) từ đầu năm đến nay đã xảy ra hai vụ sạt lở nghiêm trọng. Lần 1 ngày 25/01/2012 tại phường Thới Hòa, quận Ô Môn, bên trái tuyến nằm cặp sông bị sạt lở nguy hiểm 2 vị trí, dài 21m và 25m. Lần 2 ngày 06/5/2012 ở đoạn kè Panô trái tuyến dài 26m (nằm giữa 2 đoạn kè cừ lá thép) bị sạt lở thẳng đứng nguy hiểm sát với mép đường nhựa. Toàn bộ phần đất lề đường và kè Panô bị trượt ra phía sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an tòan công trình, an tòan giao thông  khu vực QL91.

Trên địa bàn tỉnh An Giang tình trạng sạt lở trên quốc lộ 91 diễn ra căng thẳng hơn. Nhiều vụ lở chạy dài cả trăm mét, ăn sâu vào đất liền hơn 20 m và cuốn phăng hàng trăm nhà dân xuống sông. Nhưng rất may chưa có người dân nào thiệt mạng chỉ thiệt hài về tài sản mỗi năm ước tính hàng tỷ đồng, chưa tính tiền khắc phục do sạt lở.

Một đoạn sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào tháng 3/ 2010 tại Châu Phú, tỉnh An Giang.

Một đoạn sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào tháng 3/ 2010 tại Châu Phú, tỉnh An Giang.

Vụ sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra vào 27/02/2010, bên bờ Nam sông Hậu thuộc ấp Bình Tân, xã Phú Mỹ, huyện Châu Phú, chiều dài sạt lở khoảng 70m, ăn sâu vào mặt lộ 91 khoảng 25m làm giao thông tê liệt hoàn toàn. Vụ tạt lở này làm thiệt hại hoàn toàn 02 căn nhà cấp 4, đổ xuống sông 04 căn nhà nằm cặp bờ sông và 27 căn nhà nằm trong tình trạng báo động phải tháo dỡ, di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Tiếp theo, tháng 3/2010 tại bờ sông ở ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ sạt lở làm đứt ngang hơn 70m đường, việc lưu thông qua đây bị tê liệt hoàn toàn cho đến khi mở thêm được tuyến đường tạm vòng qua khu vực dân cư. Hiện nay đoạn bờ sông và đoạn đường bị đứt tuy đã được gia cố, nhưng vẫn chưa thể khôi phục lại mặt đường do chưa có vốn đầu tư.

Ông Cao Thanh Tuyền, hạt phó Hạt quản lý đường bộ 733 cho biết, chỉ riêng phạm vi quốc lộ 91 do đơn vị quản lý dài 45km đã có tới 15km chạy dọc bờ sông Hậu, những đoạn đường này phải sửa chữa, gia cố mái taluy chống sạt lở thường xuyên.
 
Mới đây (từ 31/3/2012 đến 02/04/2012) liên tiếp xảy ra sạt lở tại 9 vị trí với tổng chiều dài khoảng 500 m. Hiện những vị trí này đang được đóng cọc thép, kè rọ đá để giữ ổn định nền đường với kinh phí thực hiện gần 8,5 tỉ đồng. Ngoài ra đoạn từ núi Sam đến cầu Trà Sư cũng thường bị xói lở nặng vào mùa lũ.

“Nguyên nhân chính của những lần sạt lở là do tuyến lộ nằm cặp sông Hậu, mái taluy cao, nước thủy triều chảy mạnh thường xảy ra xói lở nhiều. Để khắc phục, chúng tôi mở rộng mặt đường về bên trái, thả bao tải cát lấp hố xói và trải vải địa đắp bao tải tạo mái luy khu vực sạt lở hoặc đóng cọc thép I kè rọ đá giữ ổn định nền đường. Tổng kinh phí khắc phục sạt lở Quốc Lộ 91 TP.Cần Thơ – tỉnh An Giang từ 2010 - 2012 khoảng 20 tỷ đồng” (số tiền này do công ty trực tiếp sửa chữa)" - Ông Trần Đình Khang – Phó giám đốc Công ty Cổ Phần Đầu Tư & Xây Dựng Công Trình Giao Thông 73 cho biết.

Xác định được nguyên nhân và tìm giải pháp

Chưa có tuyến giao thông huyết mạch nào ở ĐBSCL phải thường xuyên đối mặt với tình trạnh sạt lở liên tục như quốc lộ 91. Bởi tuyến đường này có nhiều đoạn nằm cặp bên bờ sông Hậu, kinh, nền đất yếu, dòng chảy mạnh cộng với lượng xe lưu thống quá nhiều nên đây là những nguyên nhân chính giúp điệp khúc “lộ lở -gia cố, gia cố - lộ lở” trên quốc lộ 91 cứ ngân mãi.

Ông Nguyễn Quốc Ân, hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ 731 cho biết mấy năm nay tại cung đường này đã bị đứt lở hơn chục lần. Mỗi lần như thế việc lưu thông qua đây bị ách tắc, ngoài phải thực hiện các biện pháp khắc phục, ngăn chặn sạt lở lan rộng thì phải mở rộng thêm mặt đường vào phía trong cho phương tiện đi lại. Việc xử lý này mất nhiều thời gian và tốn kém nhưng chỉ mang tính tạm thời.

Theo Khu quản lý đường bộ 7, cấu tạo địa chất đất bờ sông ở ĐBSCL vốn đã yếu,  nhiều đoạn quốc lộ 91 nằm sát sông, gần kinh nên lề đường thường bị xói lở và một số đoạn đã bị đứt sụp do hiện tượng sạt lở. Bên cạnh tác động của dòng chảy thì nhiều đoạn bờ sông dọc theo đường vẫn được sử dụng làm bến bãi cho các ghe tàu thường xuyên tập kết lên xuống hàng hóa, và đấy cũng là tác nhân góp phần gia tăng tình trạng này.

Một đoạn sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào tháng 3/ 2010 tại Châu Phú, tỉnh An Giang.

Các công nhân gia cố trên tuyến quốc lộ 91 mấy năm nay đã quá quen thuộc với người dân.

Theo ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường An Giang xác định nguyên nhân gây sạt lở trên quốc lộ 91 là do biến đổi dòng chảy dưới đáy sông hình thành những hố xoáy sâu dẫn tới sạt lở đất bờ sông, từ đó những đoạn quốc lộ 91 nằm cạnh dọc sông Hậu bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngoài hàng loạt nguyên nhân trên thì theo ông Kỷ Quang Vinh – Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho rằng các tuyến đường trước đây khi xây dựng đã khảo sát và có thiết kế đảm bảo an toàn. Tuy nhiên trong tình hình biến đổi khí hậu lưu tốc dòng chảy tăng cộng thêm với mật độ phương tiện giao thông thủy cao đã làm bờ sông, bờ kinh gia tăng xói lở và ngày càng tiệm cận với sát con đường.

Sau khi xác định có nhiều “hung thủ” gây ra tình trạng sạt lở liên tục, kéo dài trên tuyến giao thông huyết mạch 91 – Cần Thơ đến An Giang, Ông Thư kiến nghị: “Cần gấp rút nghiên cứu tổng thể về địa hình đáy sông, về nguy cơ sạt lở để có giải pháp chỉnh trị dòng chảy và thực hiện các biện pháp công trình để bảo vệ đường, cũng như các khu vực dân cư, nhà dân để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên tuyến quốc lộ và cũng như người dân sống quanh tuyến lộ này”.

Đại diện đơn vị trực tiếp quản lý, sửa chữa quốc lộ 91, ông Khang cho biết đã có kiến nghị với Bộ Giao Thông vận tải về phương án cần có cuộc khảo sát tổng thể lại quốc lộ 91 để xác định giải pháp nào tốt nhất, như kiến cố hóa hay làm một tuyến lộ mới… nhằm đảm bảo an toàn và tránh lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho công tác khắc phục sửa chữa tuyến quốc lộ này.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm