Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn…

Chiều 24/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay.

Theo quyết nghị, thuế VAT sẽ giảm về 8% nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới dự toán thu, bội chi ngân sách 2023 và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 6, vào cuối năm nay.

Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ - 1

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Tại nghị quyết được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Trong đó, tập trung bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Theo yêu cầu của Quốc hội, chính sách tài khóa phải điều hành có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trong Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Số vốn được bổ sung 17.100 tỷ đồng - tương ứng số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước 2021-2030 của ngân hàng này. Trong đó, khoản vốn bổ sung trên sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách Trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ này đúng quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu, quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm ngoái là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank (gần 35.200 tỷ), MB (hơn 45.300 tỷ), VPBank (hơn 67.400 tỷ đồng).

Việc tăng vốn cho Agribank sẽ giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8% và giúp ngân hàng cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hóa. Việc tăng vốn cũng là cơ sở để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Gần đây nhất, Agribank được Quốc hội đồng ý bổ sung vốn điều lệ là năm 2020, với mức tăng 3.500 tỷ đồng. Năm 2022, Agribank báo lợi nhuận trước thuế hơn 22.000 tỷ đồng, thuộc top 5 ngân hàng lãi cao nhất hệ thống.