Đại biểu Quốc hội: "Vụ ở Tây Nguyên vừa rồi cho thấy bài học rất đắt"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhắc đến vụ xảy ra ở Tây Nguyên vừa qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng vì chưa có quy định cụ thể huy động lực lượng cơ sở kịp thời nên xảy ra hậu quả đáng tiếc. Theo ông Đồng, đây là bài học rất đắt.

Sự cần thiết và tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ sáng 20/6, về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tán thành dự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, hiện nay, trước diễn biến phức tạp của vấn đề an ninh, trật tự, tình hình tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội ... ở các địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ông Đồng nhấn mạnh các vụ việc vi phạm cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, để hạn chế hậu quả cho xã hội.

Đại biểu Quốc hội: Vụ ở Tây Nguyên vừa rồi cho thấy bài học rất đắt - 1

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Hồng Phong).

"Như vụ ở Tây Nguyên vừa rồi cho thấy bài học rất đắt, chưa có quy định cụ thể huy động lực lượng kịp thời nên để xảy ra hậu quả đáng tiếc", ông Đồng dẫn chứng.

Dù đội ngũ công an chính quy đã cơ bản được thực hiện ở các xã, phường, thị trấn, vị đại biểu cho rằng vẫn cần có sự tham gia, phối hợp của quần chúng nhân dân ở cơ sở, nhất là đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách.

Theo ông Đồng, để công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đạt hiệu quả tốt, cần thiết có một đạo Luật thống nhất quy định về xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, cần chú ý để việc ban hành luật này không tăng biên chế, tăng gánh nặng ngân sách Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến hoạt động hành chính trong các cơ quan Nhà nước ở cơ sở.

Cũng đề cập đến vụ việc ở Tây Nguyên vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng nếu lực lượng an ninh ở cơ sở được hướng dẫn cụ thể sẽ là "tai mắt" khi nhóm đối tượng này đi mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện.

Theo bà, một trong những đòi hỏi cấp bách để đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở là phải có lực lượng thường trực, nắm bắt vụ việc từ sớm. Lực lượng này từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, nắm tình hình trong dân tốt hơn.

"Có lực lượng này là cầu nối, cánh tay nối dài của lực lượng công an xã chính quy sẽ vô cùng cần thiết", bà Xuân nhấn mạnh thực tiễn đòi hỏi có lực lượng này".

Dù vậy, nữ đại biểu kiến nghị dự thảo luật phải thể hiện rõ đây là lực lượng hỗ trợ, không làm thay, không trùng lặp với nhiệm vụ của công an xã chính quy, và phải phù hợp với trình độ, năng lực.

Đại biểu Quốc hội: Vụ ở Tây Nguyên vừa rồi cho thấy bài học rất đắt - 2

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (Ảnh: Quốc hội).

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đồng tình việc thống nhất 300.000 người thuộc các lực lượng thành các tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Theo bà Xuân, hiện nay công an xã chính quy bố trí 100% trên địa bàn toàn quốc nhưng số lượng còn khá mỏng, có những xã ở địa bàn Tây Nguyên chỉ có 5 người.

"5 người với tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đều phải triển khai xuống công an cấp xã, làm rất nhiều việc, rất nặng, đặc biệt là xử lý tin tố giác ban đầu", bà Xuân nói, cho rằng nếu không có lực lượng này công an chính quy cũng rất vất vả và khó hoàn thành nhiệm vụ.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lưu ý cần củng cố thế trận lòng dân. "Như vụ ở Đắk Lắk vừa qua, nếu không có sự tham gia của nhân dân làm sao nhanh chóng vây bắt được hàng chục đối tượng như thế", ông Vân nói.

Ủng hộ sự cần thiết ban hành luật này, song đại biểu Nguyễn Chu Hồi (TP  Hải  Phòng) đề nghị bổ sung chương riêng về huy động người dân tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. "Cần phải dựa vào dân. Thiếu người dân là thiếu cơ bản", ông Hồi nói.