“Quốc hội "xi nhan" phải, cơ quan soạn thảo luật rẽ… trái”
(Dân trí) - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nêu nghịch lý nhiều lần Quốc hội cho ý kiến sửa luật, định hướng một đằng, cơ quan soạn thảo lại sửa, chỉnh lý một nẻo…
Đó là lý do ông Nguyễn Đình Quyền không tán thành với hướng sửa luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao Chính phủ chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sau khi dự thảo đã được đưa ra Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Hướng đề xuất quy định này khác với quy trình hiện hành: chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật sau khi đã qua bước thẩm tra, thảo luận lần đầu là UB Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Đây cũng là vấn đề lớn được đặt ra tại hội nghị phản biện xã hội dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 19/2.
Nêu vấn đề, Phó Chủ tịch thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhận định, dự luật cần tiếp thu chỉ đạo của Bộ Chính trị, xây dựng quy trình để việc ban hành văn bản pháp luật phải qua lấy ý kiến của MTTQ theo nguyên tắc, góp ý, phản biện của người dân được xem là kênh rất quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, nguyênViện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp điểm lại, từ khi có luật Ban hành văn phản quy phạm pháp luật (năm 1996) đến nay, Quốc hội đã 4 lần sửa đổi luật này mà lý do luật chưa phát huy tốt trong cuộc sống được xác định chủ yếu do khâu thực thi.
Dù đã có quy định, nhưng các văn bản luật làm ra vẫn vướng, khi thì việc thẩm định, thẩm tra chưa tốt, đánh giá tác động chưa xác thực, lấy ý kiến nhân dân vẫn còn hình thức…
Vấn đề quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật, theo ông Nguyễn Đình Quyền, trước năm 2003, việc giao quyền cho Chính phủ đã được áp dụng, sau khi đại biểu Quốc hội có ý kiến thì cơ quan Chính phủ về chỉnh lý. Tuy nhiên, thời điểm đó đã xảy ra tình trạng “Quốc hội xi nhan phải thì ông mang về ông rẽ trái”.
Ông Quyền chỉ rõ, nhiều trường hợp, Quốc hội cho ý kiến về một vấn đề với yêu cầu chỉnh sửa các quy định theo một hướng cụ thể thì cơ quan chịu trách nhiệm chỉnh lý luật lại mang về, sửa theo một hướng khác hẳn.
Bộ trưởng không làm chính sách, ai cũng làm Bộ trưởng được!
Từ đó, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nêu quan điểm: “Quốc hội phải nắm trọn quyền lập pháp của mình. Quyền này bao gồm: quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phân công soạn thảo, phân công thẩm tra cho ý kiến dự án luật, tiếp thu chỉnh lý dự án luật…
“Ông là người quản lý nhà nước thì ông biết chỗ nào ngứa thì ông trình (chính sách). Còn ông trình xong thì giải quyết chỗ ngứa đó như thế nào thì phải là Quốc hội” - ông Quyền phân tích.
Bác bỏ lập luận cho rằng, giao lại việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho Chính phủ để Chính phủ có thể theo đuổi, bảo vệ đến cùng những chính sách đề xuất, ông Quyền nhấn mạnh, dự luật trình ra Quốc hội bị chỉnh sửa nghĩa là có 2 khả năng, hoặc do chất lượng chuẩn bị chưa tốt, hoặc do có lợi ích nhóm. Do đó, Quốc hội cần phải giữ quyền chỉnh sửa để đảm bảo khách quan.
“Lợi ích nhóm người ta cài, chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiệnh, bóc tách thì chết dân thôi”, ông Quyền nói và cho rằng khi sửa thì có sự tham gia của nhiều cơ quan của Quốc hội và cả cơ quan soạn thảo chứ không phải một mình cơ quan thẩm tra làm được.
Không đồng tình với quan điểm của ông Quyền, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nói Quốc hội nắm quyền lập pháp không có nghĩa là Quốc hội làm tất cả mọi thứ.
“Quan điểm của tôi không phải là Quốc hội làm luật. Quốc hội chỉ làm một số chính sách căn bản thôi chứ không phải cái gì cũng làm luật. Làm luật thế chỉ là để xài với nhau” - ông Dung phát biểu.
Theo ông Dung, Quốc hội cần phải chỉ ra được người nào làm luật tốt nhất. Quốc hội bầu và phê chuẩn Chính phủ và các thành viên Chính phủ và các cơ quan Chính phủ là người phải chịu trách nhiệm đề xuất chính sách và theo đuổi đến cùng.
“Tôi thấy, Chính phủ cho tới hiện nay không thấy tầm quan trọng về phân tích chính sách. Không thấy rõ ràng yêu cầu người ở vị trí Bộ trưởng thì cần phải làm gì, không rõ chủ trương chính sách của người đó. Và như vậy, ai làm Bộ trưởng được” – GS.TS Nguyễn Đăng Dung nhận xét.
Trong khi đó, cơ quan chủ trì thẩm tra phải chịu trách nhiệm chỉnh sửa. Lập pháp phải giao cho Quốc hội, tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó. Như vậy thì tốt nhất sau khi dự thảo trình cho Quốc hội thì cơ quan chủ trì thẩm tra chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý.
Phương Thảo