Quốc hội thực hiện chất vấn đặc biệt, nhiều lãnh đạo ngồi “ghế nóng”

Phương Thảo

(Dân trí) - Sáng nay (6/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đặc biệt, phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khoá XIV. Lãnh đạo Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, gần 20 Bộ trưởng… đều có thể lên “ghế nóng”.

Cụ thể, kỳ họp thứ 10, phiên chất vấn được xem là để tổng kết lại hoạt động giám sát của Quốc hội khoá XIV. Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn với bất cứ vấn đề gì quan tâm. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó có trách nhiệm trực tiếp trả lời.

Tổng thời gian dành cho phiên chất vấn kỳ này là 2,5 ngày, kéo dài từ sáng ngày 6/11 tới hết buổi sáng ngày 10/11/2020.

Nội dung phiên chất vấn là chất vấn những người đứng đầu các cơ quan liên quan về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo quy định về những chức danh phải trả lời chất vấn trước Quốc hội thì các thành viên Chính phủ (lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ), Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đều có thể được mời lên “ghế nóng” khi có chất vấn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phụ trách.

Danh sách những người có thể phải lên “ghế nóng” vào khoảng 30 người.

Chốt lại phiên chất vấn kỳ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngoài việc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Theo chương trình chi tiết, người đứng đầu Chính phủ được dành 115 phút vào cuối phiên chất vấn sáng 10/11.