Quốc hội sẽ bàn luận về "con gà đẻ trứng vàng" của TPHCM
(Dân trí) - Trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét dự án đường vành đai 3 TPHCM. Khi dự án đi vào hoạt động, TPHCM không phải địa phương duy nhất được hưởng lợi từ "con gà đẻ trứng vàng" này.
Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các đại biểu sẽ dành thời gian xem xét, quyết định chủ trương đối với tuyến đường vành đai 3 TPHCM cùng 4 dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM đưa ra hình ảnh "con gà đẻ trứng vàng" để so sánh với việc đầu tư cho tuyến đường vành đai 3 TPHCM.
Bởi khi dự án này đi vào hoạt động, TPHCM không phải địa phương duy nhất được hưởng lợi. Vành đai 3 TPHCM là động lực lớn, tạo đà phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Trứng vàng" ở đâu?
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có trung tâm là TPHCM và 7 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là khu vực có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước, nắm giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế phát triển bền vững.
Mặc dù vậy, khu vực này đang đối mặt với điểm nghẽn do sự phát triển hệ thống giao thông chưa đáp ứng. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy, chi phí logistic bị đẩy cao, các đô thị gặp cảnh ùn tắc giao thông. Nhiều năm qua, những chuyển biến về hạ tầng giao thông tại các tỉnh, thành này chưa xứng với kỳ vọng.
Tuyến đường vành đai 3 TPHCM sẽ là lời giải đáp, giúp vùng kinh tế trọng điểm giải tỏa được sự quá tải về giao thông, khơi thông điểm nghẽn và phát huy hết tiềm năng vốn có. Theo quy hoạch, tuyến đường này có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp của TPHCM, giúp giải tỏa áp lực cho khu vực nội thành.
Đối với kết nối liên tỉnh, đường vành đai 3 TPHCM sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải tỏa luồng xe quá cảnh, cải thiện tình trạng giao thông, tăng tính kết nối. Từ đó, các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương, mua bán liên vùng được thúc đẩy, sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng được cải thiện.
Vành đai 3 TPHCM còn mở ra hướng phát triển mới cho các đô thị vệ tinh tại Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương. Đồng thời, sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường còn tạo ra những thuận lợi cho việc nâng tầm các khu vực nông thôn ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM) và Bến Lức (Long An).
Từ những phân tích trên, vành đai 3 TPHCM là điều kiện quan trọng nhằm phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp đã quy hoạch từ lâu mà chưa phát triển đột phá. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường còn giúp hình thành quỹ đất lớn để khai thác, kêu gọi đầu tư, phát triển, điều tiết phân bổ dân cư, giảm áp lực lên khu vực đô thị hiện hữu.
Tuyến vành đai 3 TPHCM còn vướng gì?
Để dự án được triển khai, đi vào hoạt động, TPHCM cùng các địa phương liên quan tuyến vành đai 3 đang gặp những trở ngại nhất định trong vấn đề về đảm bảo nguồn vốn, công tác điều hành quản lý liên vùng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, việc chuẩn bị vật liệu thi công. Trong đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiều thách thức nhất.
Trước bối cảnh đó, TPHCM đã đóng vai trò đầu mối và thống nhất cùng Đồng Nai, Bình Dương, Long An đưa ra 4 đề xuất với Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho tuyến đường vành đai 3.
Cụ thể, các địa phương xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian triển khai dự án. Các địa phương mong muốn được ngân sách Trung ương bố trí 50% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư tại Long An.
Các địa phương cùng mong muốn áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho các gói tư vấn, thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các gói thầu xây lắp sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc áp cơ chế này.
Các địa phương cũng đưa ra đề xuất tăng công suất khai thác các mỏ cát hiện hành lên 50%. Việc tăng công suất được đề xuất theo hướng cho phép điều chỉnh quy hoạch mỏ, quy hoạch sử dụng vật liệu.
Theo thông tin mới nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hồi đáp những kiến nghị, đề xuất trên của các địa phương nói trên. Đồng thời nêu quan điểm, các cơ chế đặc thù không áp dụng tràn lan mà phải xem xét kỹ lưỡng.
Đối với cân đối ngân sách, cơ quan này yêu cầu các địa phương thực hiện theo các quy định của pháp luật, tức chưa đồng tình với việc phân bổ linh hoạt các nguồn vốn.
Trong khâu tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất chia thành các dự án thành phần. TPHCM cần đóng vai trò đầu mối, phối hợp với các địa phương làm đồng bộ.
Về đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, các địa phương chỉ thực hiện phương án này với một số gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng, giải phóng mặt bằng, không áp dụng với gói thầu xây lắp. Ngoài ra, thời gian áp dụng cơ chế chỉ định thầu là 2 năm (2022-2023).
Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc tăng khai thác các mỏ có thể gây sạt lở và các tác động đến môi trường. Do đó, các cơ quan thực hiện bắt buộc phải đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện.
Với nguồn lực và cơ chế đã đủ mạnh, TPHCM cần tiếp tục thể hiện vị thế đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm đầu mối để dẫn dắt, phối hợp cùng các địa phương vượt qua những trở ngại để hoàn thành siêu dự án cấp quốc gia. Hiện tại, điều các địa phương có tuyến vành đai 3 TPHCM cần làm là chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ từng bước, để khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, "con gà để trứng vàng" có thể sớm chứng minh hiệu quả mang lại.