Phó Thủ tướng: Tính toán lại chi phí đầu tư vành đai 3 TPHCM
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương mời đơn vị tư vấn xem xét lại tổng mức đầu tư, chi phí đền bù, chi phí xây dựng đối với đường vành đai 3 TPHCM đã chính xác hay chưa.
Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác của các bộ, ngành làm việc với một số địa phương về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3, vành đai 4 của TPHCM.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều thống nhất, dự án đường vành đai 3, vành đai 4 của TPHCM có tầm quan trọng quốc gia, liên quan tới sự phát triển của nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, tuy nhiên, tiến độ các dự án này còn chậm do nhiều nguyên nhân.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị về dự án, Phó Thủ tướng chỉ rõ nhiều vấn đề còn tồn tại đối với 2 dự án này, đặc biệt là khâu tính toán chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng. Với khoảng 83.000 tỷ tổng mức đầu tư cho khoảng 80 km đường, dự án đường vành đai 3 của TPHCM có mức đầu tư cho 1 km đường cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc trên cả nước.
"Với khoảng 83.000 tỷ xây dựng hơn 80 km đường cao tốc, như vậy bình quân 1.000 tỷ/km đường. Chi phí giải phóng mặt bằng tính riêng 15 km đường tại Bình Dương là 22.000 tỷ, 6,8 km tại Long An là 5.000 tỷ. Nếu không tính toán cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc dự trù, và chủ trương", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Các địa phương cần rà soát lại chi phí
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, địa bàn có khoảng 15 km đường thuộc dự án vành đai 3 của TPHCM đi qua, đã giải phóng mặt bằng một phần. Hiện tại, đơn giá chi cho giải phóng mặt bằng là khoảng 25 triệu/m2 theo tính toán của các đơn vị đề xuất.
Nguyên nhân dẫn đến giá thành trên là bởi đoạn đường này đi qua thành phố, có nhiều khu dân cư, đất nông nghiệp, đất xen kẽ. Do vậy, tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho đoạn đường này là 22.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, trong công tác quy hoạch tuyến vành đai 3, các đơn vị cần hạn chế để tuyến đường đi qua đất ở, đất dân cư. Mặt khác, nếu tuyến đường đi qua đất nông nghiệp thì giá giải phóng mặt bằng nói trên phải xem xét lại.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ, chi phí xây dựng đối với đoạn vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cũng cần tính toán thêm. Cụ thể, với 5.600 tỷ đồng, bình quân, một km đường vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cần gần 400 tỷ đồng chi phí xây dựng.
Phân tích cụ thể thêm về chi phí đầu tư của dự án vành đai 3 TPHCM, Phó Thủ tướng dẫn chứng, một số tuyến cao tốc khác trên cả nước có địa hình phức tạp hơn, thi công có phần khó hơn nhưng chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng thấp hơn đáng kể.
Để làm rõ hơn vấn đề này, đại diện Bộ TN&MT đánh giá, dự án vành đai 3 TPHCM đi qua nhiều tỉnh, thành nên cần có khung chính sách chung, tránh mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Khung chính sách này cần được Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì hoặc giao cho các địa phương hình thành.
Riêng đối với đất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành khung chính sách, bảng giá là do từng địa phương quyết định nhưng không thể vượt quá một triệu/m2. Các địa phương có thể hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống người dân nhưng không vượt quá 5 lần so với quy định này.
"Như vậy, việc hỗ trợ một triệu đồng/m2 cộng thêm tối đa 5 lần là khoảng 5-6 triệu đồng/m2. Tôi cũng cảm thấy giật mình vì một số nơi hỗ trợ 22-25 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp", đại diện Bộ TN&MT lên tiếng.
Đối với vấn đề này, Phó Thủ tướng nhìn nhận, trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều vấn đề liên quan đến thị trường, giá cả đất đai. Tuy nhiên, có những khu vực thuộc hoàn toàn về quản lý Nhà nước, đã có công thức chung và không theo giá thị trường. Do vậy Bộ GTVT cần chịu trách nhiệm tư vấn các địa phương trong việc thực hiện vấn đề này.
Dứt khoát phải tìm đường ra
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vành đai 3 của TPHCM mang ý nghĩa rất quan trọng. Khi hoàn thành, dự án vành đai 3, vành đai 4 sẽ mở ra không gian phát triển cho TPHCM, tạo lợi thế trong kết nối với các địa phương trong khu vực.
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành, TPHCM với các địa phương đã rất cố gắng. Tuy nhiên, những phần việc của dự án vẫn chậm lại, trong đó có nguyên nhân khách quan đến từ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Quan điểm xuyên suốt của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong buổi làm việc giữa tổ công tác Chính phủ cùng các địa phương là đã họp, dứt khoát phải có đường ra, phải đề ra tiến độ cụ thể. Trong công tác thực hiện, dự án cần được huy động mọi nguồn lực xã hội và có phân cấp rõ ràng cho từng địa phương.
Đối với đường vành đai 4, Phó Thủ tướng chỉ đạo, UBND các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện, kêu gọi đầu tư. Trong đó, phương thức thực hiện là kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và ngân sách đảm nhiệm một phần.
"Cần kiểm điểm lại việc chậm tiến độ của đường vành đai 4. Nếu vành đai 4 tiếp tục chậm sẽ dẫn đến vấn đề giống như đường vành đai 3, giá thành đất đai, đền bù sẽ tăng", Phó Thủ tướng lưu ý.
Đối với tuyến đường vành đai 3, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn, xây dựng lại đề án, rà soát kỹ phương thức thực hiện. Dù các địa phương đề xuất không áp dụng hình thức PPP do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, các đơn vị cần rà soát kỹ các đoạn, tuyến để đưa ra phương thức đầu tư phù hợp.
"Có thể có đoạn phải dùng 100% ngân sách, nhưng cũng có đoạn có thể kêu gọi đầu tư. Khi làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn, các địa phương tính toán kỹ thêm trong cả dự án đường vành đai, đoạn, nào có thể áp dụng hình thức PPP được", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý.
Ông Lê Văn Thành cũng thống nhất việc mời đơn vị tư vấn xem xét lại tổng mức đầu tư, chi phí đền bù, chi phí xây dựng đã chính xác hay chưa. Về tiến độ thực hiện, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương phấn đấu hoàn thiện thủ tục trong tháng 2 để tháng 4, tháng 5 năm 2022 có thể trình dự án cho Quốc hội xem xét.