Quốc hội quyết định vấn đề nhân sự và nghe báo cáo về cải cách tiền lương
(Dân trí) - Chiều nay, Quốc hội sẽ quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; nghe báo cáo về cải cách tiền lương.
Sáng 25/6, Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7 với việc bổ sung xem xét một số nội dung quan trọng.
Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền với việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.
Nội dung này được Quốc hội họp riêng vào cuối phiên làm việc buổi sáng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và trình việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về nội dung này.
Kết quả kiểm phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, sẽ được công bố chiều cùng ngày.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, theo chương trình vừa điều chỉnh, Bộ trưởng Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày Báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7, trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.
Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận trên hội trường ngày 26/6.
Quốc hội quyết định vấn đề trên khi xem xét thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại phiên bế mạc, dự kiến sáng 29/6.
Liên quan tới vấn đề tiền lương, trước đó Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết bên cạnh phương án điều chỉnh tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH từ 1/7.
Bộ trưởng phân tích chọn phương án này vì khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và xây dựng bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức phát sinh một số vấn đề.
Cụ thể, khi bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến bất hợp lý rất lớn. Đó là tương quan giữa các đối tượng không đảm bảo.
Công chức - đối tượng tham mưu chiến lược, được tăng rất thấp, chỉ tăng hơn 20%. Đối tượng viên chức có thể tăng được hơn 50%. Đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương như vậy nhưng tính bình quân tăng khoảng 30,6%.
Có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3-5%, rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.
Một vấn đề nữa là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40/60 hiện nay (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30/70 (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay) cũng phát sinh vấn đề.
Cùng với việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới, dẫn đến rất nhiều đối tượng hưởng phụ cấp sẽ bị tụt giảm, nhất là lực lượng nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên.
Những phát sinh này dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp hơn.