1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quốc hội “phê” công tác nhân sự, phòng chống tham nhũng

(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp các báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết chất vấn và giám sát chuyên đề của các Bộ trưởng do Đoàn Thư ký kỳ họp thực hiện trước phiên chất vấn toàn diện chốt lại nhiệm kỳ, phần nội dung của các bộ, ngành khối xã hội gây chú ý về những đánh giá cụ thể về lĩnh vực nội vụ, phòng chống tham nhũng…

 

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (trái) đã 2 lần trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh một lần đăng đàn tại nhiệm kỳ này.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (trái) đã 2 lần trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh một lần đăng đàn tại nhiệm kỳ này.

Đối với lĩnh vực nội vụ, một nhiệm vụ mà Quốc hội giao cho Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sau 2 lần đăng đàn trả lời chất vấn là rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Cơ quan thẩm tra đánh giá, công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức bước đầu đã có những đổi mới như tổ chức thi tuyển lãnh đạo, áp dụng nguyên tắc cạnh tranh, chú trọng nâng cao chất lượng đề thi, công tác tổ chức thi bảo đảm khách quan, công bằng; không còn tình trạng nợ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi. Bộ Nội vụ cũng áp dụng nhiều biện pháp phòng chống tiêu cực.

Tuy nhiên, một hạn chế được chỉ rõ là số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước còn vượt so với quy định, một số địa phương vẫn sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao, việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Việc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan chức danh “hàm” còn chậm và chưa có kết quả.

Trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, thi nâng ngạch cán bộ, công chức, trong hai năm 2014 - 2015, Thanh tra Bộ Nội vụ đã, đang và sẽ thực hiện tổng số 33 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 15 bộ, ngành và tại 18 UBND các tỉnh thành. Qua thanh tra, kiểm tra, các bộ, ngành, địa phương đều còn có thiếu sót, tồn tại.

Với yêu cầu “thúc” lộ trình cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách tiền lương, theo cơ quan thẩm tra, báo cáo của ngành Nội vụ mới chỉ đưa ra Phụ lục liệt kê danh sách các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức mà không có các nhận xét, đánh giá, kiến nghị cụ thể. Cùng với áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước, số đối tượng trong diện hưởng lương và trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước là rất lớn nên khó bố trí đủ nguồn tài chính cho cải cách tiền lương.

Đáng chú ý là việc các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, làm phát sinh sự bất hợp lý, thiếu công bằng giữa các ngành nghề và giữa các cán bộ, công chức làm việc trong các ngành nghề khác nhau.

Liên quan đến việc quản lý cán bộ, trong nhiệm kỳ, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh được chất vấn về hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra nhận xét, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường trên các mặt, khẳng định quyết tâm chính trị và sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và toàn xã hội. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từng bước minh bạch và công khai hơn; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; lực lượng chức năng đã chủ động hơn trong công tác phối hợp phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng đã nghiêm minh hơn; án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đình chỉ vụ án, bị can năm sau giảm nhiều so với năm trước; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được xét xử kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm toán được tăng cường, có những vụ việc qua thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm được chuyển cơ quan điều tra xử lý ngay, không đợi đến khi ban hành kết luận thanh tra; các vụ việc phức tạp được họp bàn và thống nhất các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giám định tư pháp đã đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, trong thời gian qua đã có nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử, lấy lại lòng tin trong quần chúng nhân dân. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố  cáo, số vụ việc tham nhũng có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và số tài sản thu hồi cho nhà nước có nhiều tiến bộ.

Dù vậy, hạn chế vẫn chưa được khắc phục những năm qua là công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật còn chậm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai còn hình thức, hiệu quả thấp; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xét xử.

Trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thể hiện ở việc thiếu quy định để kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Công tác phát hiện tội phạm về tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Số vụ tham nhũng phát hiện được còn ít, một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng chưa được phát hiện kịp thời, hoặc phát hiện được nhưng không chuyển, giữ lại xử lý nội bộ hoặc chậm chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thẩm tra yêu cầu ngành thanh tra có biện pháp thích hợp khắc phục ngay các yếu kém, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, nhất là hiệu quả trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Vấn đề triển khai xây dựng kế hoạch đề án kiểm soát tài sản của mọi người trong toàn xã hội, trong đó có công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn được nhấn mạnh với lưu ý, đây là công việc rất lớn, cần phải làm ngay từ bây giờ thì mới góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Vẫn “lọt” thông tin sai lệch về lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đối với Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son, cơ quan thẩm tra “soi” nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng, liên quan đến việc kiểm soát thông tin trên mạng về lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo báo cáo, năm 2014, Bộ TT-TT đã thành lập Cục An toàn thông tin để đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này; công tác giám sát, cảnh báo và ứng cứu sự cố mạng được đẩy mạnh; việc đào tạo cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin được quan tâm.

Tuy nhiên, trên thực tế, an toàn thông tin, an toàn mạng càng ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng “tin tặc” tấn công các trang mạng của doanh nghiệp và trang mạng của cơ quan nhà nước có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại về kinh tế của các doanh nghiệp và đe dọa an ninh thông tin quốc gia.

Cơ quan thẩm tra nhận xét, công tác quản lý thông tin trên mạng cũng còn nhiều bất cập, vẫn còn hiện tượng các trang mạng có nội dung không chính xác, đưa tin sai lệch về tình hình kinh tế xã hội, về lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây hoang mang dư luận, bất ổn trong xã hội. Việc phát hiện, ngăn chặn sai phạm đối với các trang tin điện tử, mạng xã hội của nước ngoài không rõ nguồn gốc hiện còn là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, do những trang mạng này có máy chủ đặt ở nước ngoài.

P.Thảo