1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quốc hội “nắn” các Bộ trưởng trả lời chất vấn

(Dân trí) - Quốc hội nhắc Bộ trưởng Tài chính hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; Bộ trưởng GD-ĐT cần tiếp thu Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Bộ trưởng Tư pháp phát huy vai trò người đứng đầu; Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng nội bộ ngành trong sạch…

Sáng 24/6, trước phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội đưa ra biểu quyết với Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Hơn 96% các đại biểu đã bấm nút tán thành toàn bộ nội dung nghị quyết.
Quốc hội “nắn” các Bộ trưởng trả lời chất vấn

Hơn 96% các đại biểu đã bấm nút tán thành toàn bộ nội dung Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (Ảnh: Việt Hưng)
Đối với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết về vấn đề chất vấn nêu rõ yêu cầu có giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép; tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn.

Kết quả thực hiện các yêu cầu này Bộ trưởng Tài chính được yêu cầu báo cáo lại Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 tới đây.

Trong lĩnh vực của mình, Bộ trưởng Tài chính cũng được nhắc thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và cân đối thu chi hợp lý để đảm bảo các nhu cầu chi trong dự toán, tăng khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, hoàn thuế sai, chuyển giá.

Việc chi ngân sách cần theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm; bội chi chủ yếu dành cho đầu tư phát triển.

Về vấn đề đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Tài chính bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ tài sản của Nhà nước; đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu đầu tư và doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa DNNN để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mốc thời gian cụ thể được đề ra cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là báo cáo lại Quốc hội về các biện pháp triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 được nhắc phải tiếp thu, hoàn chỉnh để triển khai tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Về vấn đề tuyển sinh, Quốc hội nhắc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận căn cứ kết quả dự báo lao động việc làm hàng năm để có định hướng đối với hoạt động tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Tiếp tục rà soát, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa giáo dục đại học vào nền nếp.

Quốc hội “nắn” các Bộ trưởng trả lời chất vấn

Quốc hội cũng nhắc Bộ trưởng Tư pháp tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc thẩm định, kiểm tra quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: Việt Hưng)
Đối với Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Nghị quyết chất vấn nêu yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới. Theo đó, tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy định trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để cụ thể hóa Hiến pháp; đôn đốc việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp phục vụ triển khai thi hành Hiến pháp trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong các năm 2014 và 2015.

Quốc hội cũng nhắc Bộ trưởng Tư pháp tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc thẩm định, kiểm tra quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, giảm số văn bản nợ đọng; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý sai phạm.

Lĩnh vực thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng có nhiều nội dung được lưu ý, trong đó có yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ nay đến hết năm 2014, chuẩn bị, trình Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện kết luận thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quốc hội “nắn” các Bộ trưởng trả lời chất vấn

Lĩnh vực thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh có nhiều nội dung được lưu ý (Ảnh: Việt Hưng)

Cơ quan thanh tra phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm toán nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có biện pháp đẩy mạnh sự tham gia của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu đối với những vụ, việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay đến cơ quan có trách nhiệm để thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Có kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm xử lý đến cùng kết luận của cơ quan thanh tra.

Riêng ngành thanh tra, Quốc hội đòi hỏi xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, phẩm chất hoàn thành nhiệm vụ được giao; tạo chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

P.Thảo