1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quốc hội “duyệt” nâng mức phạt hành chính lên tối đa 2 tỷ đồng

(Dân trí) - Thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 20/6 với xấp xỉ 86% đại biểu tán thành, Quốc hội nhất trí nâng mức phạt tiền tối đa lên 2 tỷ đồng (gấp 4 lần quy định hiện hành). Có 3 lĩnh vực được phạt cao gấp 2 lần mức phạt chung.

Luật mới quy định rõ mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực là áp dụng đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Quốc hội cũng “gật đầu” với quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực nội thành của thành phố trực thuộc TƯ.
 
Giao thông là một trong 3 lĩnh vực được phép phạt cao gấp đôi mức phạt chung.
Giao thông là một trong 3 lĩnh vực được phép phạt cao gấp đôi mức phạt chung.

Các phiên thảo luận về dự án luật này trước đó ghi nhận nhiều ý kiến không nhất trí với quy định này. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng tại Hà Nội và TPHCM, lại có ý kiến lại đề nghị áp dụng cho tất cả các đô thị, kể cả thành phố thuộc tỉnh.

UB Thường vụ Quốc hội lý giải, xuất phát từ đặc thù của nội đô các thành phố trực thuộc Trung ương là mật độ dân số cao, là trung tâm kinh tế - xã hội, chính trị, hành chính của cả nước hoặc khu vực, nếu hành vi vi phạm hành chính xảy ra tại khu vực này thì tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn, hậu quả sẽ lớn hơn. Quy định này không trái với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, bởi vì tại khu vực này bất cứ người nào vi phạm đều bị xử phạt như nhau.

Tuy vậy, Luật cũng chỉ cho phép quy định mức phạt tiền cao hơn trong 3 lĩnh vực cụ thể là giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, không phải ở các khu vực này đều áp dụng mức phạt tối đa cao gấp 2 lần so với quy định chung mà tùy theo điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội đặc thù của từng địa phương.

Đề xuất của Chính phủ về việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh cũng được Quốc hội chấp nhận.

Theo đó, việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý. Hơn nữa, quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý. Tuy nhiên, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ việc này, Chính phủ, các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ các đối tượng này bằng việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quốc gia về dạy nghề, vay vốn, tạo công ăn việc làm.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Công đoàn (sửa đổi).

Luật Giá nhận số phiếu tán thành rất cao với hơn 95% đại biểu bỏ phiếu thuận. Nguyên tắc chung được thông qua là nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; có chính sách về giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Xăng, dầu, điện có mặt trong dánh sách hàng hóa nhà nước thực hiện bình ổn giá. Điện đã được đưa ra khỏi danh sách các mặt hàng nhà nước định giá (các hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh).

Luật công đoàn (sửa đổi) được thông qua với số tán thành 90,18% đã xác định trách nhiệm của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nói chung, không phân biệt đối tượng đó là đoàn viên công đoàn hay không phải đoàn viên công đoàn. Quốc hội cũng đã tán thành không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.

P.Thảo