Quốc hội cần "thúc ép" tiến độ các tuyến đường cao tốc
(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 5 tuyến đường vành đai và cao tốc ở vùng Thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 244 nghìn tỷ đồng.
Quốc hội sẽ dành cả ngày 31/5 để nghe thành viên Chính phủ trình bày chủ trương đầu tư và thảo luận về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TPHCM và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng chiều dài 112,8 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án đường vành đai 3 TPHCM có tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng, dài khoảng 76,34 km đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Tổng mức đầu tư của 3 dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu là hơn 84.000 tỷ đồng. Cả ba dự án đều là công trình trọng điểm quốc gia và được đề xuất áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo lộ trình đề xuất, công tác chuẩn bị đầu tư ba dự án sẽ được thực hiện trong năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Theo Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TPHCM rất quan trọng và nằm trong tổng thể xem xét các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. UBTV Quốc hội thống nhất triển khai dự án đường vành đai 3 TPHCM với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026, quyết toán năm 2027.
Với đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, theo UBTV Quốc hội cần nghiên cứu giãn tiến độ một năm, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027. Việc giãn tiến độ như vậy để bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn cho các dự án quan trọng khác, đồng thời tránh trường hợp tập trung bố trí vốn quá nhiều vào một dự án nhưng không bảo đảm tiến độ triển khai, giải ngân.
Để đủ điều kiện trình Quốc hội về 3 dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo UBTV Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, thuyết minh rõ sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư; thuyết minh cụ thể căn cứ phân chia các dự án thành phần; tính toán chi tiết nội dung chi của vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; đối với vốn ngân sách địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai gói phục hồi đúng tiến độ, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho biết, chưa có lúc nào chúng ta quyết cùng lúc 5 dự án đường cao tốc trọng điểm như tại kỳ họp này.
"Từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa trong nước, xuất khẩu đều cần đến hạ tầng giao thông. Việc xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TPHCM không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mà nó còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng", đại biểu Vũ Trọng Kim nói.
Trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang dồn sức để thúc đẩy đầu tư công, theo đại biểu đoàn Nam Định, đây là lúc nên chớp lấy thời cơ, chớp cơ hội để gỡ bỏ những ràng buộc về cơ chế, áp dụng những chính sách đặc biệt.
"Khi Quốc hội đã thống nhất chủ trương đầu tư các tuyến đường vành đai của Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía Nam rồi thì nhiệm vụ quan trọng nhất là chọn nhà thầu đảm bảo năng lực thi công, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng làm dự án", đại biểu Vũ Trọng Kim nói.
Một trong những vấn đề được đại biểu Vũ Trọng Kim lưu ý trong quá trình triển khai dự án đó là phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. "Cần phải rút kinh nghiệm từ những dự án có vấn đề trước đây để xác định rõ trách nhiệm cá nhân quản lý dự án. Có như vậy từng đồng thuế đóng góp của nhân dân mới đạt hiệu quả", ông Kim lưu ý.
Bình luận về vấn đề trên, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng đây là lúc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần quyết liệt hơn, tạo sức ép hơn nữa để đôn đốc việc triển khai các dự án quan trọng, đặc biệt là những dự án hạ tầng giao thông các tỉnh phía Nam.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM, lúc này rất cần rút ngắn thủ tục, quy trình, như giảm bớt việc chứng minh sự cần thiết, sự hiệu quả, hay các quy trình về chủ trương, quyết định đầu tư… Nếu các dự án tiếp tục kéo dài hàng năm trời sẽ làm mất đi cơ hội, mất đi ý nghĩa của chương trình phục hồi kinh tế.
"Muốn có kết quả đặc biệt thì phải có cách làm đặc biệt, nếu vẫn cách làm như bình thường thì không thể trông đợi một kết quả khác thường", ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề xuất một giải pháp để trước mắt triển khai nhanh các dự án là không cần chờ đợi toàn bộ danh mục hoàn chính mà chọn dự án nào đã chuẩn bị xong rồi thì trình dự án đó.
Dự án nào chuẩn bị tốt cho làm trước, đủ tiêu chí là làm. Còn nếu cứ chờ nhau thì tất cả cùng chậm. Ông ví von "tốc độ cả đàn sếu không nên để phụ thuộc của con cuối cùng".
Sáng 23/5, Quốc hội bước vào chương trình nghị sự kỳ họp 3, bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV họp tập trung trong thời gian 20 ngày (khai mạc từ ngày 23/5, bế mạc vào ngày 17/6). Trong thời gian họp, Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Trong kỳ họp, Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.