Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản Triều Nguyễn
(Dân trí) - 20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các quốc hiệu và kinh đô của Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử đang được giới thiệu tới công chúng thông qua một triển lãm đang diễn ra tại bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm tái hiện lại bức tranh về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi quốc hiệu và kinh đô đất nước, thể hiện khát vọng của các vương triều và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân.
Từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu hoặc kinh đô cho phù hợp với tình hình đất nước. Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt hay Đại Việt…
Triển lãm đặc biệt này là dịp để công chúng được tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.
20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các quốc hiệu và kinh đô của Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử được khắc ghi trong các mộc bản, gồm: Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương; Văn Lang thời Hùng Vương; Âu Lạc thời An Dương Vương; Vạn Xuân thời Tiền Lý; Đại Cồ Việt thời Đinh – Tiền Lê; Đại Việt thời Lý – Trần – Lê; Đại Ngu thời nhà Hồ; Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mệnh.
Mỗi lần thay đổi có một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Khối Mộc bản triều Nguyễn hiện còn khá đầy đủ những thông tin về Quốc hiệu và Kinh đô của nước ta.
Mộc bản mang nội dung vua An Dương Vương cho xây dựng thành Cổ Loa.
Mộc bản nội dung vua Đinh Tiên Hoàng cho đặt Quốc hiệu Đại Cổ Việt.
Mộc bản nội dung chiếu dời đô của Lý Thái Tổ năm Canh Tuất (1010).
Trọng Trinh