“Qui hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lớn”
(Dân trí) - Theo Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn, dự án qui hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng là một dự án lớn nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn phức tạp khi triển khai, nhưng nó cũng sẽ giải quyết được những vấn đề lớn của Hà Nội.
Cũng theo ông Tuấn, dự án này tiểm ẩn những yếu tố có thể thực hiện được...
Có thông tin là Bộ Xây dựng trình lên 3 phương án mở rộng Hà Nội và bỏ bớt 2 phương án so với trước, thưa ông?
Báo cáo gần đây có nêu lên 3 phương án, tức là từ 5 phương án có điều chỉnh co lại thành 3 phương án... Nói chung phương án nào cũng có mặt hợp lí và hạn chế riêng của nó, vấn đề là cân đo giữa mặt ưu việt với mặt hạn chế để lựa chọn.
Dự án qui hoạch hai bên bờ sông Hồng là vấn đề đang rất được lãnh đạo thành phố cũng như người dân quan tâm, nhưng có người đã lo ngại dự án này sẽ rơi vào qui hoạch “treo”, thưa ông?
Trước hết, chúng ta mới đang làm qui hoạch chứ chưa làm dự án. Cái đem triển lãm vừa rồi gọi là qui hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng. Khi nào qui hoạch đó được duyệt, người ta mới chia ra làm nhiều dự án. Ví dụ dự án về xây dựng đê, cải tạo bãi sông, cải tạo đường thủy, xây dựng đường, khu công viên giải trí...
Hôm qua phía Soul và Thành phố đã ký biên bản bàn giao kết quả đề án cơ bản sông Hồng, vậy khi nào sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án này?
Hiện chưa có ấn định thời gian cụ thể nào sẽ trình. Phía Hàn Quốc đã đề xuất 1 quy hoạch khá đầy đủ về cơ cấu, bài bản, bây giờ các cơ quan Việt Nam sẽ xem xét, đánh giá, thẩm định để chỉnh sửa. Sau khi làm được 1 đồ án quy hoạch phù hợp với các yêu cầu của thực tế và định hướng của Thành phố thì mới trình Chính phủ.
Ông có thể cho biết lộ trình thẩm định dự án quy hoạch sông Hồng?
Đây là một quy hoạch tổng hợp, lớn cả về mặt kĩ thuật, xã hội và nhà nước chưa có quy định quy trình cho việc phê duyệt loại quy hoạch như thế. Vì thế chúng tôi đã phải báo cáo Thành phố để đề xuất một quy trình phê duyệt lên Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, Thủ tướng phê duyệt quy trình ấy rồi trên cơ sở đó thực hiện việc phê duyệt cho dự án.
Dự án này dự định thực hiện trong 30 năm - liệu có quá ngắn không?
Người ta đề nghị ngắn hơn, chỉ 13 năm. Thực ra những vấn đề về tính khả thi trong đó có thời hạn là một vấn đề phải được đánh giá kỹ trong việc thẩm định. Họ vừa bắt đầu giao sản phẩm, việc thẩm định còn chưa được tiến hành thì nói ngắn hay dài bây giờ là hơi vội.
Dự án này có tác động gì đến dự án phát triển dài lâu Bắc sông Hồng?
Đương nhiên cái này nằm trong quy hoạch tổng thể của Hà Nội. Nếu thực hiện được cái này sẽ thực hiện được một phần dự án Bắc sông Hồng. So với quy hoạch 109 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998, ý tưởng lần này không mới nhưng cái mới là giải pháp và có điều kiện thực hiện hơn.
Nhưng đây cũng sẽ là dự án gặp nhiều trở ngại, thưa ông?
Đương nhiên, một dự án lớn như thế thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn phức tạp, nhưng mặt khác cũng lại giải quyết được nhiều vấn đề lớn của Hà Nội. Vấn đề lớn, mục tiêu lớn thì khó khăn cũng lớn.
Một số khó khăn đã được nói đến trên báo chí như việc động chạm di dời giải phóng mặt bằng phải cân nhắc cho kĩ xem mức độ thật sự cần thiết đến đâu. Còn những vấn đề khác về chỉnh trị sông, về xây dựng thì giữa các nhà khoa học còn phải bàn luận cho kĩ, các cơ quan quản lí cần phải thẩm định cho kĩ. Theo tôi, với khoa học công nghệ bây giờ, những vấn đề đó không phải là quá khó.
Việc di dời hơn 100 ngàn hộ dân cũng là vấn đề lớn?
Cái gì động đến con người cũng khó. Tuy nhiên, con số đó nói cho cùng cũng chỉ là đề xuất của nhóm nghiên cứu Hàn Quốc, chưa phải chính thức. Bây giờ mới đến giai đoạn thành phố xem xét kết quả nghiên cứu của phía Hà Quốc để có quan điểm của mình. Cái gì họ làm tốt thì ta khai thác, cái gì họ làm chưa đạt yêu cầu sẽ phải yêu cầu họ sửa, cái gì chưa đúng hướng, ta có những quyết đáp riêng.
Ông có thể cho biết tính khả thi của dự án khoảng bao nhiêu %?
Thực ra nói con số phần trăm thì chẳng ai nói được, nó rất mơ hồ. Tôi chỉ nói rằng dự án tiềm ẩn trong nó những yếu tố có thể thực hiện được, còn khả thi đến mức độ nào thì phải tuỳ thuộc vào chất lượng dự án cũng như việc anh biết khai thác những lợi thế của dự án ấy đến đâu. Một dự án bản thân nó rất khả thi nhưng nếu quản lý kém thì sẽ không thể khả thi.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Cường (ghi)