1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Quên” gạc trong bụng bệnh nhân, bệnh viện E nói gì?

(Dân trí) - “Việc để quên gạc chúng tôi không chối, chúng tôi chủ động gặp gỡ, xin lỗi bệnh nhân cũng như có những bồi dưỡng về sức khoẻ”. Trong trường hợp chị Hiền chấp thuận, bệnh viện sẵn lòng đón chị đến phục hồi sức khoẻ tại viên E. Đó là lời khẳng định của PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc bệnh viện E.

Mệnh lệnh số 1 là… đếm gạc

 

Sau khi tìm hiểu những thông tin tại viện K, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với PGS.TS Đoàn Hữu Nghị cùng một Phó giám đốc bệnh viện, Ths Phạm Văn Tùng. Theo ông Nghị, hơn mười ngày sau khi viện K phát hiện ra “sự cố” kĩ thuật trong bụng của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hiền, bệnh viện E chưa nhận được văn bản chính thức của bệnh viện K.

 

Bác sĩ Đặng Thế Căn, PGĐ bệnh viện K cho rằng, chị Nguyễn Thị Thu Hiền không phải lo ngại về khả năng sinh nở sau này vì chị vẫn còn buồn trứng bên phải.

Gia đình chị Hiền cũng chưa trực tiếp đặt vấn đề với bệnh viện E. Tuy nhiên, qua kênh thông tin từ những đồng nghiệp của ông Nghị tại viện K ông đã được biết sự việc từ khá sớm. Lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo tìm lại bệnh án của ca mổ ruột thừa của chị Hiền năm 2002, sau đó cử một PGĐ cùng bác sĩ đứng mổ ca này sang làm việc với bác sĩ viện K vừa thực hiện mổ khối u buống trứng cho chị Hiền ngày 13/4 vừa qua.

 

Ngày 25/4 (hai ngày sau khi chị Hiền viết thư gửi bệnh viện K và báo chí), Ban Giám đốc bệnh viện E cũng đã họp bàn về ca mổ năm 2002 để xác định xem khối apxe trong bụng chị Hiền có phải là “lỗi kĩ thuật” của lần mổ tại viện E? Tuy không được biết cụ thể về kết quả cuộc họp này, nhưng chúng tôi được ban lãnh đạo bệnh viện cho hay, ngay ngày hôm sau (26/4), PGS. TS Hoàng Công Đắc, PGĐ bệnh viện cùng trưởng khoa phẫu thuật tổng hợp và bác sĩ mổ cho chị Hiền trước đây đã lên Thái Nguyên gặp gỡ với gia đình chị Hiền, thăm hỏi sức khoẻ của bệnh nhân (qua điện thoại chị Hiền đã xác nhận điều này với chúng tôi).

 

 

“Quên” gạc trong bụng bệnh nhân, bệnh viện E nói gì? - 1
 

Hi vọng những chiếc bảng này sẽ
hạn chế được việc bỏ quên gạc.

Sau khi thông tin về quá trình tiếp cận vụ việc, BGĐ bệnh viện đã dẫn phóng viên thăm phòng mổ cũng như giới thiệu về qui trình mổ của bệnh viện. Theo ông Nghị, kể từ khi ông làm giám đốc bệnh viện, mệnh lệnh số 1 được đặt ra cho các bác sĩ tại các phòng mổ là… đếm gạc. Tại các phòng mổ của bệnh viện, có treo một chiếc bảng meka nhỏ ghi số gạc được đưa vào bụng bệnh nhân cũng như số gạc được lấy ra.

 

Nhưng “qui trình” này mới được thực hiện từ khoảng một năm rưỡi trở lại đây, trong khi ca mổ ruột thừa của chị Hiền lại được thực hiện từ năm 2002. Dẫu vậy, lãnh đạo bệnh viện cũng không gây khó dễ khi được đề cập thông tin về ca mổ năm 2002…

 

Mổ muộn, thiếu người phụ giúp?

 

Lãnh đạo bệnh viện cho biết, lật lại hồ sơ bệnh án, bác sĩ đứng ca mổ ruột thừa của chị Hiền là thạc sĩ ngoại khoa Hữu Hoài Anh. Ca mổ được thực hiện vào ban đêm và chỉ có một y tá phụ mổ cùng bác sĩ Hoài Anh. Theo lãnh đạo bệnh viện, tại thời điểm đó nhân lực của bệnh viện thiếu thốn nên không có một bác sĩ hỗ trợ bác sĩ đứng mổ chính như hiện tại.

 

Từ hơn một tuần nay, Ban lãnh đạo bệnh viện đã có “lệnh” để bác sĩ Hoài Anh “treo dao” vì sợ yếu tố tinh thần có thể ảnh hưởng tới công việc vốn hết sức hệ trọng có liên quan đến tính mạng con người. Đánh giá về bác sĩ Hoài Anh, Giám đốc bệnh viện cho rằng: “đây là tay mổ khéo, phẫu thuật nội soi giỏi, có triển vọng”. Cũng không phải ngẫu nhiên, cách đây hai năm bác sĩ Hoài Anh (sinh năm 1967) được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Phẫu thuật tổng hợp của bệnh viện.

 

Theo lãnh đạo bệnh viên E, vài năm gần đây, mỗi năm bệnh viện này thực hiện khoảng 3.000- 4.000 ca phẫu thuật, năm 2002 bình quân số ca mỗi ngày ít hơn đôi chút so với thời điểm hiện tại. “Dù rất cố gắng không ai dám chắc 1000/1000 ca không có sơ suất gì”, ông Nghị giải thích.  Riêng ca mổ ruột thừa do bác sĩ Hoài Anh thực hiện vào ban đêm, đó là thời điểm mà theo ông Nghị là dễ có sơ suất do phẫu thuật viên bị mệt mỏi.

 

Ông Nghị cũng cho rằng “các lỗi quên gạc đã xảy ra ở nhiều nơi và ở cả nhiều bệnh viện nổi tiếng”. Tuy nhiên, so với tổng số ca mổ thì lỗi đó vẫn được coi là “hiếm hoi” và ông Nghị nhìn nhận thẳng thắn về ca mổ của bác sĩ Hoàng Anh: “việc để quên gạc chúng tôi không chối, chúng tôi chủ động gặp gỡ, xin lỗi bệnh nhân cũng như có những bồi dưỡng về sức khoẻ”. Trong trường hợp chị Hiền chấp thuận, bệnh viện sẵn lòng đón chị đến phục hồi sức khoẻ tại viên E. 

 

Tân Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm