1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quê mẹ đức Lý Thái Tổ - vùng phế tích hoang tàn

(Dân trí) - Làng Dương Lôi (Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh) là một địa danh gắn liền với sự ra đời của vị vua đã sáng lập nên một vương triều huy hoàng trong lịch sử, sáng lập nên kinh đô rồng - vua Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của Vương triều Lý...

Nằm bên dòng sông Tiêu Tương thơ mộng, với những thư mục cổ viết về văn hóa phi vật thể, những hiện vật khảo cổ như văn bia, bài minh trên chuông, sắc phong, câu đối, có thể coi làng Dương Lôi, quê mẹ vua Lý Thái Tổ, là mảnh đất khởi nguồn của Vương triều Lý.

 

Sử cũ truyền rằng sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ về thăm mộ mẹ. Ông đã cắt đất cho xây dựng Sơn lăng cấm địa, xây dựng Thái Đức trong lăng Thiên Đức thờ mẹ ở Dương Lôi. Tại đây, dấu tích của rừng Miễu, khu rừng có miếu thờ mẹ vua (Đền Miễu - Thái Miếu) vẫn còn. Vua cũng cho xây chùa Càn Nguyên trùng với tên Điện Càn Nguyên ở Kinh thành Thăng Long để tưởng nhớ mẹ mỗi khi thiết triều. 

 

Bao nhiêu di tích lịch sử quý đó hiện bị quên lãng và xuống cấp nghiêm trọng

 

Chùa Càn Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị biến mất hoàn toàn. Ngày 4/7/2009, kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam có phát phóng sự “Một ngôi chùa cổ nhất đời Lý cần được trùng tu xứng tầm lịch sử” nói về sự xuống cấp của ngôi chùa này.
 
Quê mẹ đức Lý Thái Tổ - vùng phế tích hoang tàn - 1

 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ xa giá về thăm quê hương Diên Uẩn Châu Cổ Pháp Lộ Bắc Giang và hưng cho nhân dân 2 vạn quan Tiền để xây dựng quần thể di tích ở đây, trong đó chùa Càn Nguyên được khởi xây đầu tiên. Ngôi chùa cổ kính ấy nay chỉ còn là một ngôi nhà nhỏ cấp 4, bị xuống cấp trầm trọng.

 

Tấm bia đá Tăng bi tự được bảo tồn tại Chùa Càn Nguyên ghi lại, chùa được toạ lạc ở Tây Bắc làng Dương Lôi bên tả ngạn sông Tiêu Tương, khuôn viên rộng gần 10 ngàn m2, chùa được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc gồm các nhà tiền đường, thượng điện, thiên hương 2 tòa, 2 dãy hành lang 18 pho La Hán. Chùa đẹp hiếm có trong vùng. Điều này được bài chuông trong chùa Cha Lư tả ký chư sự ghi lại: Càn Nguyên chuông Phật nở sen/ Kỹ  xảo không nhường đường Tống/ Quy mô tráng lệ huy hoàng/ Văn vật nghìn xưa phát triển.
 
Quê mẹ đức Lý Thái Tổ - vùng phế tích hoang tàn - 2

 

Sau gần ngàn năm nắng mưa dãi dầu và binh lửa, năm 1946, giặc Pháp huỷ một phần chùa. Đến kháng chiến chống Mỹ, phần lớn khuôn viên chùa được lấy làm hợp tác xã chăn nuôi, góp phần cung cấp lương thực cho bộ đội ở chiến trường. Sau đó đất chùa bị thu hẹp dần, phần bị bỏ hoang lấn chiếm, phân chia. Từ ngôi chùa quy mô đồ sộ cổ kính nay chỉ còn 3 gian nhà cấp 4 các cụ đã dựng tạm để hương khói và lưu giữ lại hồn của ngôi chùa cổ.

 

Ngoài ra, trong quần thể di tích nhà Lý ở Dương Lôi Đại Đình thuộc phường Tân Hồng có 3 di tích vô cùng quan trọng đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cũng đều đang xuống cấp nghiêm trọng.

 

Đó là Đền Lý Triều Thánh Mẫu (Đền Miễu), nơi thờ Mẫu Phạm Thị, mẹ vua Lý Thái Tổ đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia tháng 3/2009. Bia Nhất thiên thạch trụ dựng năm 1719 đặt trước sân  Đền đã ghi: Miếu đường xã Dương Lôi là  nơi danh lam cổ tích phụng thờ Lý Triều Thiên thánh hết sức linh thiêng. Tuy nhiên, hiện nay đền chỉ mang một quy mô hết sức khiêm tốn, chờ sự quan tâm đầu tư tôn tạo của các cấp, các ngành văn hóa.
 
Quê mẹ đức Lý Thái Tổ - vùng phế tích hoang tàn - 3

 

Thứ hai là Đình Dương Lôi (Đình Sấm), là nơi thờ Mẫu Phạm Thị và 8 vị vua Lý. Hiện Đình vẫn còn lưu giữ 9 đạo sắc phong cổ, tám ngai vàng cổ, tám bài vị cổ thờ tám ngôi Hoàng đế. 
 
Quê mẹ đức Lý Thái Tổ - vùng phế tích hoang tàn - 4

Đình Sấm đang bị thu hẹp dần và xuống cấp nghiêm trọng.

 

Tuy Đình đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1993 nhưng hiện vẫn bị thu hẹp nhiều và xuống cấp rất nghiêm trọng. Các Đạo Sắc Phong còn lưu giữ tại Đình từ Triều Gia Long thứ 9 năm 1810 đến triều Khải Định 1910 đều phong bà Phạm Thị là đức Thánh Mẫu và khẳng định: Dương Lôi là ấp thang mộc Thánh Mẫu Lý Triều, giao cho nhân dân đất đai để phụng thờ Lý Triều Hoàng đế bát vị miếu, điều này chứng tỏ các Triều đại Phong kiến rất coi trọng vị thế của mảnh đất này. Đình đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1993.

 

Thứ ba là Chùa Cha lư, nơi thờ Phật và mẹ vua, đã được công nhận di tích lích sử văn hóa năm 1993.
 
Quê mẹ đức Lý Thái Tổ - vùng phế tích hoang tàn - 5

Chùa Cha Lư giờ là một nơi "kín mít" thế này.

 

Dòng chảy văn hóa gắn liền các di tích tạo nên một quần thể di tích nhà Lý ở Dương Lôi, Đại Đình. Các di tích ở đây mỗi di tích có một ý nghĩa riêng, mỗi di tích gắn liền với một giá trị lịch sử nhất định, tuy nhiên các di tích này đa số đã hư hỏng và xuống cấp, đặc biệt là chùa Càn Nguyên. Đình Dương Lôi (Đình Sấm), Đền Lý Triều Thánh Mẫu (Đền Miễu), chùa Cha Lư đã được công nhận di tích lịch sử  nhưng hiện cũng đang xuống cấp nghiêm trọng

 

Trong khi cả nước chúng ta đang náo nức hướng về Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, tôn vinh vị vua anh minh đã sáng lập nên kinh đô rồng, thì tại quê mẹ của Người, một quần thể di tích đậm đặc lại đang bị quên lãng và cũ nát bởi thời gian, nhiều di tích chưa được quan tâm đúng với tầm vóc đáng có khiến người người không khỏi đau xót. Một vùng đất văn hóa lịch sử giờ chỉ còn là phế tích hoang tàn.

 

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về các di tích trên quê mẹ của vị Vua đầu triều Lý. Năm 1994, Nhà nước đã cho mở cuộc Hội thảo tại Bắc Ninh và các bài tham luận đã được in thành sách “Làng Dương Lôi với Vương Triều Lý” do NXB VHDT phát hành năm 2000. Năm 2006 PGS Đặng Văn Lung xuất bản cuốn sách “Quê mẹ đức vua Lý Thái Tổ”.

 

Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng bộ phim Tài liệu “Quê mẹ Đức Lý Thái Tổ” (kênh VTV1, tháng 9/2005). Tháng 6/2006, kênh VTV2 THVN phát sóng bộ phim “Làng Dương Lôi với Vương Triều Lý”. Mục Văn hóa xã hội “Cần bảo vệ các di tích văn hóa” kênh VTV1 của Đài THVN cũng đề cập đến sự xuống cấp của chùa Cổ Pháp thôn Đại Đình và phế tích chùa Càn Nguyên ở Dương Lôi.

 

Mới đây nhất, ngày 4/7/2009, VTV1 Đài truyền hình VN phát phóng sự về chùa Càn Nguyên tại Dương Lôi với “Một ngôi chùa cổ nhất đời Lý cần được xây dựng đúng tầm”. 

 

Phạm Đăng Kiểm