1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quay lưng với gas vì “sốc” giá

Chưa hết choáng với “cú sốc” giá xăng dầu tăng hồi cuối tháng 11, người tiêu dùng lại chịu tiếp cú bồi của loại nhiên liệu quan trọng thứ ba là giá gas tăng vọt từ đầu tháng 12.

Dùng gas để nấu ăn bây giờ lại trở nên chuyện xa xỉ đối với một số hộ gia đình ở TPHCM. Cô Liên, một tiểu thương bán nước mắm ở chợ Gò Vấp, cho biết cô đã chuyển qua dùng than tổ ong thay vì dùng gas mấy ngày nay vì giá gas đã quá sức chịu đựng của gia đình.

Nhiều hộ gia đình gần nhà cô ở Q.12 cũng làm như vậy. Còn chị Nga, chủ cửa hàng gas Huy Quang (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TPHCM), cũng than: “Giá tăng cao quá người dân vùng này không muốn sử dụng gas nữa. Bình thường tôi bán trên 30 bình/ngày, từ sáng tới giờ chỉ bán được mười mấy bình thôi”.

Theo chị Nga, tình trạng này đã kéo dài gần cả tháng nay. Tương tự như vậy, cửa hàng gas Sao Bình (P.3, Q.Gò Vấp) cũng xác nhận chưa bao giờ buôn bán gas khó khăn như hiện nay. “Lúc giá gas khoảng trên 100.000 đồng/bình, mỗi ngày tôi bán trên 40 bình, bây giờ chưa tới 20 bình” - chủ cửa hàng này nói.

Giá gas bán lẻ hiện khoảng 251.000 đồng/bình 12kg, tăng hơn 100.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp tư nhân Đại Quang Minh - nhà phân phối gas lớn nhất TPHCM - thừa nhận tình trạng hàng tồn kho kéo dài do sức mua giảm mạnh. Theo anh Hà Đình Sang, phó giám đốc, lượng hàng bán được trong thời gian từ giữa tháng mười một đến nay chỉ bằng 1/3 so với trước. “Trước đây, mỗi ngày chúng tôi xuất kho khoảng 33 tấn, nay chỉ còn chừng 12 tấn” - anh Sang nói. Một số công ty kinh doanh gas cũng cho biết sức mua tháng mười một đã giảm so với tháng mười khoảng 15%.

Giá gas trong nước tăng cao do giá thế giới tăng là hiển nhiên vì lượng gas nhập khẩu chiếm đến 60-70% thị trường. Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, dù gas trong nước chỉ cung ứng được 30-40% thị trường nhưng vẫn có thể giảm được áp lực giá thế giới nếu điều hành tốt.

Theo chuyên gia này, nguồn gas chế biến trong nước do doanh nghiệp nhà nước quản lý, phân phối nên không quá khó trong việc điều tiết giá trong nước. Nhiều công ty kinh doanh gas phản ảnh rằng việc phân phối gas từ Nhà máy Dinh Cố ra thị trường còn nặng cơ chế xin - cho. Có công ty được đặc cách mua số lượng lớn từ đây về lại đem đi phân phối lòng vòng vì thế giá đội lên cao. Các công ty kinh doanh gas có thị phần lớn như Saigon Petro, VT Gas... đều nói rất khó mua được gas từ Nhà máy Dinh Cố.

Giám đốc một công ty kinh doanh gas ví von thị trường gas rồi sẽ dẫn đến tình trạng giống như giao thông hiện nay. Đã có rất nhiều kiến nghị, cảnh báo nhưng thị trường nội địa vẫn dễ bị “tổn thương” do việc tồn trữ phòng bị rủi ro trước những cú đột biến trên thị trường thế giới chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức.

Theo các doanh nghiệp, thị trường dầu thế giới sẽ tiếp tục biến động khôn lường trong khi tư thế “người đi mua” của các doanh nghiệp VN vẫn ở “chiếu dưới” nên khó đàm phán được những hợp đồng kỳ hạn hợp lý. Các nhà nhập khẩu gas hiện đang chuẩn bị ký các hợp đồng kỳ hạn mua gas cho năm sau, nhưng “người bán” hiện đang làm giá và yêu cầu hợp đồng kỳ hạn ba tháng hoặc sáu tháng thay vì cả năm như trước đây.

Theo Lê Uyên Minh
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm