Quảng Trị: Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ
(Dân trí) - Rất nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ được tổ chức tại “mảnh đất thiêng” Quảng Trị vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh, liệt sĩ.
Ngày 17/7, ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã tham dự Lễ khánh thành Tượng đài chiến thắng Cửa Việt, huyện Triệu Phong nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh, liệt sĩ
Công trình có diện tích 8.000m2, được khởi công vào năm 2012, tại vị trí liền kề giữa bờ Nam và bờ Bắc Cửa Việt. Tượng đài chiến thắng Cửa Việt được xây dựng với các hạng mục: phần tượng đài, công viên và các công trình phụ trợ, với tổng kinh phí xây dựng 30 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm...
Các vị đại biểu cắt băng khánh thành Tượng đài chiến thắng Cửa ViệtĐây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Triệu Phong, làm nên chiến thắng Cửa Việt năm 1973, đập tan âm mưu của Mỹ - Ngụy.
Đồng thời, Tượng đài chiến thắng Cửa Việt cũng thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Cửa Việt là một quân cảng chiến lược, là một đầu mối giao thông đường thủy quan trọng và có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc chiến giữa ta và địch. Đối với quân ta, Cửa Việt là bàn đạp phát triển tấn công mở rộng vùng giải phóng về phía Nam, là căn cứ trung chuyển hậu cần trọng yếu cho các đơn vị đóng ở phía Đông phòng tuyến Thạch Hãn.
Với vị trí trọng yếu của Cửa Việt, địch luôn âm mưu tái chiếm vị trí này. Ngày 25/1/1973, địch mở màn chiến dịch và huy động lực lượng, vũ khí quyết tái chiếm Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào ngày 28/1.
Tuy nhiên, quân và dân ta đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường. Sau nhiều ngày diễn ra ác liệt, giằng co, đến trưa ngày 31/1/1973, trận đánh kết thúc, vị trí Cửa Việt được bộ đội ta giữ vững an toàn. Chiến thắng Cửa Việt đã góp phần quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành chiến thắng cuối cùng.
Trước đó, đoàn công tác của Trung ương do ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương dẫn đầu cũng đã đến dâng hương, dâng hoa và tham gia lễ cầu siêu tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị - nơi đã diễn ra trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, “mùa Hè đỏ lửa” 1972.
Tiếp đó, đoàn công tác của Trung ương cũng đã thả hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Trong những năm chiến tranh ác liệt, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình vượt sông Thạch Hãn để vào chiếm đóng tại Thành Cổ.
Tác giả Lê Bá Dương, một cựu chiến binh từng tham gia trận chiến Thành cổ đã cảm tác những dòng thơ đẫm nước mắt:
Đò lên Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Sông Thạch Hãn đã nhuộm thắm máu xương của các anh hùng, liệt sĩ để cho đất nước được thống nhất, hòa bình, phát triển như hôm nay.
Quảng Trị những ngày tháng 7 lại trào dâng bao cảm xúc, từng dòng người trở về “mảnh đất thiêng” để tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc, đất nước mãi trường tồn.
Đăng Đức