1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Trị chi 3 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông

(Dân trí) - Tình trạng sạt lở bờ sông Sê Băng Hiêng, đoạn qua thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị trôi xuống sông, đe dọa các công trình công cộng.

Nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân, Quảng Trị quyết định tạm ứng ngân sách 3 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp tại xã biên giới này.

Theo ghi nhận, dọc bờ sông Sê Băng Hiêng đoạn qua thôn Cù Bai hiện có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng cao từ 4 – 6 m nằm chênh vênh chỉ chờ đổ sập xuống dòng sông bất cứ lúc nào.

Quảng Trị chi 3 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông - 1

Bờ sông Sê Băng Hiêng bị sạt lở nghiêm trọng.

Báo cáo của Sở NN-PTNT về hiện trạng sạt lở sông Sê Băng Hiêng cho thấy, sạt lở bờ hữu sông Sê Băng Hiêng đoạn qua khu vực Trạm Y tế xã Hướng Lập có tổng chiều dài 376 m, gồm đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài 110 m, chiều sâu 4-5 m. Trong đó, đoạn qua nhà công vụ Trạm Y tế sạt lở móng công trình với khoảng cách 0,5-1m, khu vực trụ sở Trạm Y tế đang xây dựng cách bờ sông từ 4-6m.

Hiện tại có 4 hộ dân đang sinh sống sát khu vực sạt lở từ 10-15 m. Bên cạnh đó, các công trình trụ sở UBND xã Hướng Lập, Đồn Biên phòng, trường học cũng nằm cách bờ sông với khoảng cách rất gần, chừng hơn 100m.

Đoạn sạt lở nguy hiểm thượng và hạ lưu cầu Sê Băng Hiêng với tổng chiều dài hơn 260m, chiều sâu 3-4m, gây ảnh hưởng đến các mố trụ cầu giao thông.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm thay đổi hướng chảy của dòng sông lấn sang phía đất sản xuất của người dân, gây ra sạt lở.

Quảng Trị chi 3 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông - 2

Sạt lở lấy đi nhiều diện tích đất đai của người dân.

Đến nay sạt lở đã làm mất hơn 5 ha đất bờ kè và hàng chục hộ dân bị mất trắng đất sản xuất. Nếu không có giải pháp khắc phục, khả năng mất trắng đất sản xuất dọc theo bờ sông này trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Đây là khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, mất an toàn cao, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân đang sinh sống, cán bộ, chiến sĩ làm việc tại địa phương; nguy cơ cao mất an toàn các công trình xây dựng: nhà công vụ, trụ sở Trạm Y tế, cầu giao thông và đất đai của người dân.

Trước tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở, lập rào chắn và phong tỏa những nơi đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ tiếp tục sạt lở cao; huy động lực lượng cùng nhân dân sử dụng các biện pháp cản dòng để giảm nguy cơ sạt lở nhanh.

Quảng Trị chi 3 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông - 3

Đoạn sạt lở nghiêm trọng tại Trạm Y tế xã Hướng Lập.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến rất phức tạp tại địa bàn, quy mô tăng, phạm vi thay đổi và ngày càng mở rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 120km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, trong đó có 19km sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Trước những lo lắng, kiến nghị của người dân vùng chịu ảnh hưởng, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực để tìm kiếm, huy động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư nhằm xử lý, ứng phó với tình hình sạt lở. Trong đó, có phê duyệt Đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030”.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương còn hạn chế nên công tác xử lý sạt lở mới được ưu tiên triển khai tại một số khu vực đặc biệt nguy hiểm và cấp bách.

Để xử lý kịp thời những điểm sạt lở nghiêm trọng, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình, tỉnh Quảng Trị quyết định tạm ứng ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng để Sở NN-PTNT xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp tại xã biên giới Hướng Lập.

Việc triển khai đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy được đánh giá là hết sức cấp bách và cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ và nhân dân sinh sống trong khu vực. Chủ động phòng, chống, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Sau khi khảo sát, Sở NN-PTNT đề xuất kịp thời gia cố bằng bờ kè kiên cố tại đoạn sạt lở dài 120m dọc sông Sê Băng Hiêng để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Phương án cụ thể gồm gia cố mái bằng giải pháp rọ đá giật cấp từ chân lên đỉnh, khóa chân kè bằng chân khay; nạo vét, khơi thông dòng chính đảm bảo tiêu thoát và hướng thuận dòng tự nhiên; tận dụng khối lượng đất đá nạo vét để gia cố thân kè nêu trên, đắp tường hướng dòng, gia cố các vị trí bờ sông sạt lở lân cận.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm