Quảng Ninh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế nào?

An Nhiên Trường Thịnh

(Dân trí) - Để hiện thực hóa chủ đề công tác năm 2020 với nội dung "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững", tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng.

Càng khó khăn, yêu cầu càng cao

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhất là đối với một địa phương được coi là ở tuyến đầu như Quảng Ninh nhưng nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng.

Chính vì vậy, yêu cầu của tỉnh đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thời điểm khó khăn này càng được nâng cao. Trong đó có yêu cầu tuân thủ mọi qui định về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Quảng Ninh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế nào? - 1

Tỉnh ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác chuyên môn, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực

Đơn cử, từ ngày 1/4, để giải quyết các thủ tục hành chính người dân yêu cầu, tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ, công chức làm việc trực tuyến trên mạng tại nhà. Để quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian làm việc trực tuyến tại nhà tỉnh cũng có những chỉ đạo cụ thể.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cũng có chỉ đạo, yêu cầu cả hệ thống chính trị toàn tỉnh tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống Covid-19; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm trong thực công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các đia phương quản lý chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viện chức, người lao động không chấp hành thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, của tỉnh và địa phương trong thực hiện cách ly toàn xã hội, đặc biệt là lạm dụng quỹ thời gian cách ly toàn xã hội để giải quyết việc riêng, trái quy định.

Từ những chỉ đạo sát sao, yêu cầu cao của tỉnh, đối với nội dung trên trong thời gian qua đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều giải pháp tích cực, hữu hiệu

Hàng loạt những giải pháp được đánh giá là mang lại hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được tỉnh Quảng Ninh áp dụng trong thời gian qua.

Đơn cử như, nâng cao chất lượng tuyển dụng; thực hiện tốt việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức...

Quảng Ninh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế nào? - 2

Cán bộ làm việc tại Trung tâm Hành chính công phải là những người có chuyên môn, kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp tốt

Bên cạnh đó, việc tổ chức tuyển dụng tập trung do tỉnh thực hiện cũng được dư luận đánh giá khá hiệu quả bởi vừa tuyển dụng được người làm việc có đủ trình độ, đạt yêu cầu, vừa đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và tiết kiệm.

Chưa kể, việc tuyển dụng tập trung còn giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương thay vì phải chủ động thành lập Hội đồng, chuẩn bị nhiều khâu để tổ chức kỳ thi tuyển gây tốn kém và nảy sinh nhiều thủ tục rườm rà thì lại diễn ra chuyên nghiệp, đúng quy định và nhanh gọn.

Một giải pháp khác cũng được đánh giá cao là trong lĩnh vực tổ chức cán bộ là việc UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Hội có tính chất đặc thù thực hiện quy trình bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý không qua hình thức thi tuyển (quy trình bổ nhiệm 5 bước). Trong đó, việc bổ nhiệm lãnh đạo các cấp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định; tuân thủ chặt chẽ các quy định về quy trình, hồ sơ, số lượng cấp phó; có biện pháp kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm không phải chờ hết thời hạn bổ nhiệm.

Cùng với đó, việc tiếp tục thực hiện tốt việc thí điểm thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ, công chức và viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; đổi mới công tác bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo theo nguyên tắc có cạnh tranh, công khai, minh bạch cũng được là một giải pháp có hiệu quả. Qua đánh giá ban đầu, những cá nhân được bổ nhiệm sau thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý đã thể hiện, phát huy được năng lực, trình độ; thông qua thi tuyển đã thu hút, phát hiện, tuyển chọn những người có năng lực, trình độ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phẩm chất tốt.

Để góp phần thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2020 về nội dung trên, tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020. Trong đó phê duyệt tổ chức 179 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước, với tổng số 12.288 học viên, tổng kinh phí khái toán hơn 57,6 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm qua, việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn cũng được tỉnh chú trọng.

Đăc biệt là việc tiếp tục ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác chuyên môn, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực: Du lịch, dịch vụ, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…

Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tuân thủ nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; thực hiện tốt vãn hóa, văn minh công sở.

Với những giải pháp trên, tỉnh đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ cương hành chính, thiếu chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các trường hợp chậm trễ, tham nhũng vặt, tiêu cực, hình ảnh phản cảm liên quan đến việc giải quyết công việc với người dân, tổ chức và doanh nghiệp gây dư luận xấu trong xã hội và nhân dân.