1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh: Dự án đường "đụng" trên 159ha rừng

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, thuộc địa phận thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng trên 159ha rừng, theo quyết định vừa duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án "Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)".

Dự án được thực hiện tại các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng chiều dài trên 31km.

Điểm đầu tuyến đường đấu nối vào điểm cuối của tuyến đường từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (thôn Trại Me, xã Sơn Dương, thành phố Hạ Long) đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, thành phố Hạ Long. Điểm cuối đấu nối với dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn qua địa phận huyện Ba Chẽ.

Trên tuyến đường sẽ có 23 cầu xây mới và một cầu hiện trạng tận dụng.

Quảng Ninh: Dự án đường đụng trên 159ha rừng - 1

Một dự án đường xuyên núi ở Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Theo báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án có một số yếu tố nhạy cảm về môi trường. Trong đó có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với diện tích trên 1,1ha. Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên 159ha bao gồm: 43,64ha rừng tự nhiên (32,25ha rừng đặc dụng và 11,39ha rừng sản xuất) đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng và 115,54ha rừng trồng (gần 9ha rừng đặc dụng, 105,5ha rừng sản xuất và 1ha ngoài quy hoạch lâm nghiệp) đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Ngoài ra, dự án chiếm dụng hoàn toàn 1,3ha đất ở của 12 hộ dân, tác động đời sống sinh hoạt, sinh kế của các hộ dân bị thu hồi đất.

"Dự án thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tác động đến hệ sinh thái, làm suy giảm diện tích rừng, suy giảm đa dạng sinh học, thu hẹp nơi cư trú của các loài động thực vật", báo cáo ĐTM đánh giá.

Về các biện pháp bảo vệ môi trường, báo cáo ĐTM khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp quản lý, tổ chức thi công đảm bảo hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn- Kỳ Thượng.

Lắp đặt chốt bảo vệ rừng ở hai đầu hướng tiếp cận thi công của dự án để kiểm soát các hoạt động khai thác lâm sản và xâm nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên này.

Đồng thời giữ gìn cảnh quan, môi trường hệ sinh thái và phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chặt phá cây rừng, săn bắt động vật hoang dã, xâm hại cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học khu vực rừng lân cận dự án.

Chủ đầu tư có trách nhiệm chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi sinh kế, hỗ trợ, ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân chịu tác động tiêu cực bởi dự án .

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quản lý tổ chức thi công phù hợp, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến cảnh quan, hệ sinh thái rừng.

"Chịu trách nhiệm toàn bộ và cam kết đền bù, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường trong trường hợp xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng do hoạt động triển khai của dự án. Trường hợp xảy ra sạt lở, bồi lắng ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, sinh kế người dân phải dừng ngay hoạt động thi công và phối hợp với các cơ quan có liên quan khắc phục sự cố và đền bù thiệt hại theo quy định", quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.