1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Quảng Nam: Vẫn còn 2 xã bị cô lập “hậu” bão lũ

(Dân trí) - Đến cuối ngày 3/10, 2 xã Đại Hưng và Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) vẫn bị cô lập do bùn non bồi ngập đường (có nơi cao hơn 1m) khiến xe không thể vào được. Hiện mọi liên lạc với người dân ở đây là rất khó khăn vì vẫn bị cắt điện, điện thoại...

Đến Đại Lộc những ngày này còn rất nhiều xã bị ngập trong bùn non, giao thông đi lại rất khó khăn. Tại thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại An, xã Đại Hòa… từng lớp bùn non phủ kín các con đường, trong khuôn viên các cơ quan, trường học càng dày đặc hơn.
 
Quảng Nam: Vẫn còn 2 xã bị cô lập “hậu” bão lũ - 1
Bão lũ đã khiến nước ngập lên quá đầu người.
 
Ông Lê Văn Mười (xã Đại Hòa) cho biết: “Hôm đó mưa to gió lớn, phía trên đầu gió thổi ào ào, dưới chân nước dâng cao dần. Đến khi nước rút thì bùn cũng bồi ngập nhà lút đầu gối. Mấy ngày này chỉ lo dọn bùn chứ không làm được gì cả”.
 
Chị Nguyễn Thị Lệ (xã Đại An) với tay chỉ vào vạch nước in dấu trên tường cho biết, hôm đó nước ngập gần 2 mét cả nhà phải leo lên gác, không thu dọn kịp nên lúa ướt hết. Mấy ngày này, người dân ở đây chỉ sửa chữa nhà cửa và dọn bùn đất.
 
Tuy nhiên người dân ở xã Đại Hòa, Đại An… xem ra vẫn còn may mắn vì nơi phải chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là ở xã Đại Lãnh và Đại Hưng. Đến thời điểm này người dân nơi đây vẫn bị cô lập do xe không thể vào được.
 
Bùn ngập đường hơn 1m, mọi thông tin liên lạc với hai xã này hầu như không thể vì nơi đây chưa có điện để xạc pin, còn hệ thống điện thoại bàn cũng không thể liên lạc được.
 
Quảng Nam: Vẫn còn 2 xã bị cô lập “hậu” bão lũ - 2
Đường vào Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc.
 
Ông Nguyễn Khắc Xuyên, bí thư xã Đại Lãnh cho biết, hiện xe không thể vào xã được nên lương thực phục vụ cho người dân là tại chỗ, mọi người trong xã san sẻ cho nhau. Cũng theo ông Xuyên, hiện xã đang huy động xe để gọt bùn và dự kiến phải mất 2 ngày nữa giao thông mới thông suốt được.
 
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc, toàn huyện có trên 35.000 nhà dân bị ngập lũ (từ 1m - 4,5m), chiếm 95% nhà dân toàn huyện trong đó có hơn 14.000 hộ dân có nhà bị ngập sâu từ 3 - 4,5m.
 
Đây là cơn lũ lịch sử chưa có tiền lệ hơn 100 năm nay tại Đại Lộc, mực nước đỉnh lũ là 10,77 (lớn hơn đỉnh lũ 2007 là 0,41, có nơi cao hơn đỉnh lũ năm 2007 là 1,5m). Bão kết hợp với lũ đã khiến 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương, thiệt hại vật chất ước tính hàng trăm tỉ đồng.
 

Thiệt mạng do kiểm tra dây điện sau bão

Vào lúc 16h ngày 2/10, anh Trần Phúc (40 tuổi, trú thôn An Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), trong lúc kiểm tra đường dây điện sau bão đã bị điện giật chết.

Trước đó do mưa bão làm dây điện bị rơi xuống đất, ngành điện lực đã đến ngắt cầu dao nhà anh Phúc để bảo đảm an toàn. Tưởng cầu dao đang trong tình trạng đóng điện, anh Phúc trèo lên kiểm tra rồi mở và ngắt lại một lần nữa nhưng bất ngờ luồng điện cực mạnh dẫn vào tay làm anh Phúc chết ngay tại chỗ.

Đại Dương

 
Khánh Hồng