Quảng Nam đắp đập ngăn sông đưa nước về Đà Nẵng

(Dân trí) - Con đập tạm rộng 9,3m, dài 17,5m, cao trình +3,2m đang được khẩn trương thi công trên sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc, Quảng Nam để đưa nước về Đà Nẵng phục vụ đẩy mặn, cấp sinh hoạt cho người dân.

Theo đề nghị của Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng và Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) về việc nâng cao trình đỉnh đập tạm tại sông Quảng Huế (thuộc 2 xã Đại Cường và Đại An, huyện Đại Lộc), Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra thực địa tại công trình cùng Tổng Cục thủy lợi và các cơ quan liên quan.

Đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế

Xúc cát vô bao để đắp đập tạm

Qua kiểm tra thực địa và xem xét phương án thiết kế sơ bộ xây dựng đập tạm nâng cao trình đỉnh đập tại sông Quảng Huế, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã thống nhất nâng cao trình đỉnh đập hạn chế lưu lượng trên sông Quảng Huế từ cao trình hiện trạng lên +3,2m.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, phương án thiết kế, kết cấu đập tạm bằng bao địa kĩ thuật HD chứa cát; với chiều rộng đỉnh đập là 9,3m và chiều dài đỉnh đập là 17,5m; phía hạ lưu xếp rọ đá.

Đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế

Đưa lên ghe chở đi

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam, nhiệm vụ của đập tạm là hạn chế lưu lượng nước sông từ Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn trong mùa cạn và tự phá vỡ trong mùa lũ; công trình chịu áp lực nước không cao trong mùa cạn.

Sau khi được cấp thẩm quyền cho phép, Dawaco đã tiến hành thi công đập tạm này. Ông Hồ Văn Tập – đại diện những người thi công cho biết, đập tạm bắt đầu được thi công từ ngày 3/3, dự kiến đến ngày 15/3 sẽ hoàn thành.

Đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế
Đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế

Đập tạm sắp hoàn thành để chuyển nước về Đà Nẵng đẩy mặn và phục vụ sinh hoạt

Trong ngày 12/3, gần 10 công nhân đang tiến hành xúc cát ở bãi bồi gần khu vực đập tạm và dùng ghe chở đến đắp đập. 

Sông Vu Gia khi chảy qua xã Đại Cường và Đại An (huyện Đại Lộc) thì chia làm 2, một lượng nước chảy về sông Yên đổ về sông Hàn, Đà Nẵng; một nhánh đổ về sông Thu Bồn rồi đổ ra Cửa Đại, Hội An.

Đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế, đưa nước về Đà Nẵng

Một cán bộ Dawaco cho biết, khi nâng cao trình này lên và các thủy điện xả nước thì lượng nước chuyển về Đà Nẵng sẽ được nhiều hơn; đồng thời mức nước ở đập An Trạch sẽ ổn định hơn cũng như độ mặn ở sông Cầu Đỏ sẽ giảm đi. “Đây là một trong nhiều phương án để đảm bảo nguồn nước ngọt cho TP Đà Nẵng”, đại diện Dawaco nói.

Theo báo cáo của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, từ ngày 12/2/2019 đến nay, độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước cầu Đỏ (nơi cung cấp 80% nước sinh hoạt cho Đà Nẵng) diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng và luôn duy trì ở mức cao, độ mặn trung bình ở mức 800-1.000 mg/l, độ mặn cao nhất là 1.813 mg/l vào lúc 20h30 ngày 18/2/2019 và 1.751 mg/l vào lúc 14h ngày 25/2/2019.

Liên quan đến vấn đề nước ngọt cho TP Đà Nẵng; địa phương này cũng vừa đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp, thống nhất đề xuất Bộ TN-MT điều chỉnh vận hành các thủy điện từ ngày 24/2 đến 10/5, nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn đang diễn ra.

C.Bính