1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Tĩnh:

“Quan” xã ăn chặn tiền trợ cấp trẻ mồ côi

(Dân trí) - Chúng tôi tìm về căn nhà tuềnh toàng của 4 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở thôn 10, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào một buổi trưa nắng gắt. Cả 4 đứa trẻ đang hì hụi bên mâm cơm chỉ có lèo tèo một nhúm cá khô kho mặn và nồi canh rau vặt. Bữa cơm của các cháu lẽ ra không đến nỗi thiếu thốn đến thế nếu như tiền trợ cấp của Nhà nước gần 3 năm nay đến được tay các cháu...

Huyện “chi”, nhưng xã “ăn”

Năm 2002, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi sinh mạng hai vợ chồng anh chị Phan Lai - Trương Thị Hồng. 4 đứa trẻ Phan Văn Thắng (SN 1990), Phan Thị Nhung (SN1992), Phan Văn Tuấn (SN 1995) và Phan Văn Thông (1997) phải sớm tự lập khi người anh cả Phan Văn Chính lập gia đình. Cả 4 đứa trẻ phải dựa lưng nhau sống trong căn nhà lụp xụp, tài sản lớn nhất mà vợ chồng anh Lai, chị Hồng để lại. Cuộc sống hàng ngày của 4 đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự cưu mang, giúp đỡ của bà con làng xóm.

Trước hoàn cảnh đáng thương đó, tháng 4/2003, anh trai Phan Văn Chính đã làm đơn gửi UBND xã Cổ Đạm xin được hưởng trợ cấp cho 4 đứa em theo chế độ quy định của Nhà nước hiện hành. Sau khi xem xét đề nghị của UBND xã Cổ Đạm, UBND huyện Nghi Xuân đã ra quyết định cho 4 cháu nói trên được hưởng trợ cấp hàng tháng (thời gian được hưởng từ 1/4/2004) với mức 45.000 đồng/tháng/cháu và đến năm 2005 tăng lên 65.000 đồng/tháng/cháu. Thế nhưng, từ đó đến đầu tháng 9/2006, tuyệt nhiên 4 cháu nói trên hoàn toàn không nhận được một đồng trợ cấp nào!

Theo trình bày của anh Chính thì kể từ khi làm đơn xin được hưởng trợ cấp, anh đã rất nhiều lần lên UBND xã để hỏi xem các em mình có được hưởng trợ cấp hay không và đều được họ trả lời là chưa có tên trong danh sách, phải tiếp tục chờ.

Đầu tháng 9/2006, anh Phan Văn Chính đến UBND xã Cổ Đạm để xin xác nhận vào lá đơn kiến nghị của anh gửi UBND huyện Nghi Xuân về việc tại sao các em của anh đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp hàng tháng như quy định của Nhà nước mà lại không được hưởng. Mong muốn chính đáng của anh Chính không được lãnh đạo xã Cổ Đạm đáp ứng, nhưng các ông “quan” xã đã rút túi lấy 1.260.000 đồng đưa cho anh Chính, với lý do là các em anh Chính mới được hưởng trợ cấp… 7 tháng - từ tháng 1/2005 đến tháng 7/2005.

Thấy có dấu hiệu mờ ám đối với khoản tiền trợ cấp của các em mình, anh Chính đã “đánh đường” lên Phòng Nội vụ - LĐTBXH huyện Nghi Xuân để hỏi. Và thật bất ngờ, các cán bộ ở phòng này cho biết là các em anh đã được hưởng trợ cấp từ tháng 1/2004! Số tiền chi trả cho các em đã được huyện cấp về xã từ tháng 1/2004 đến tháng 9/2006.

Không trả tiền vì… không rõ địa chỉ!

Chiều ngày 19/9, chúng tôi đã có buổi làm việc với các ông kế toán và chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân. Tại buổi làm việc này, ông Trần Trọng Quý - kế toán ngân sách xã, đồng thời là người phụ trách chi trả tiền trợ cấp cho rằng: Sở dĩ từ trước tới nay không chi trả cho 4 cháu nói trên là vì không có hồ sơ gốc ở xã nên không rõ địa chỉ của các cháu để mà chi trả. Không chỉ mình ông Quý mà ngay cả ông Ca, Phó Chủ tịch UBND xã cũng giải thích theo kiểu không có hồ sơ gốc.

Thật nực cười, bởi trước đó, ngày 5/4/2003, chính Hội đồng Chính sách xã Cổ Đạm đã làm biên bản đề nghị huyện Nghi Xuân cho các cháu nói trên được hưởng trợ cấp hàng tháng. Nếu không có hồ sơ gốc do UBND xã Cổ Đạm gửi lên thì làm sao UBND huyện Nghi Xuân có căn cứ để xét duyệt cho các cháu được hưởng trợ cấp?!

Tiếp xúc với chúng tôi vào ngày 20/9, ông Dương Minh Luân, nguyên là trưởng thôn 10, xã Cổ Đạm (đã thôi chức vào tháng 4/2004) cũng xác nhận: “Chính tôi là người giúp các cháu làm hồ sơ để gửi lên xã xin hưởng trợ cấp. Vì thế không thể nói là xã không biết địa chỉ được. Cách giải thích bao biện này quả là láo quá, không thể chấp nhận được!”

Còn ông Dương Ngọc Đệ, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, lại “bộc bạch” rằng, ông biết rất rõ hoàn cảnh của 4 cháu nói trên vì nhà ông ở gần nhà các cháu. Nhưng ông cứ nghĩ và tin rằng bấy lâu nay các cháu đã được nhận tiền trợ cấp hàng tháng một cách đều đặn. Vì thế, khi thấy chúng tôi phản ánh, ông Đệ mới phân trần: “Chết cha, làm ăn như thế đúng là giết người thật…”(?!)

Khi chúng tôi về xã Cổ Đạm tìm hiểu vụ việc này, người dân địa phương đang hết sức bất bình. Họ cho rằng cán bộ xã đã rủ nhau ăn chặn tiền của các cháu, việc làm này cần phải lên án, trừng trị.

Trần Đức - Xuân Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm