Công trình cầu Thủ Thiêm tại TPHCM:
Quận ra tối hậu thư, dân không biết đi đâu
Ngày 21/9, thời hạn cuối cùng để người dân sống trong khu vực công trường cầu Thủ Thiêm trên địa bàn quận Bình Thạnh phải bàn giao mặt bằng. Nhưng quá thời hạn, toàn bộ 41 hộ dân vẫn chưa hề nhúc nhích vì đơn giản là có muốn đi cũng không biết đi đâu.
Vấn đề là trong các quyết định đã ban hành về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân nói trên, UBND quận Bình Thạnh ngoài việc ra "tối hậu thư" buộc các hộ dân phải bàn giao mặt bằng, nếu không sẽ bị cưỡng chế, thì vẫn giữ quan điểm đất lấn chiếm không được bồi thường, mà chỉ hỗ trợ di dời. Trong khi đó, quan điểm của Bộ Tài nguyên - Môi trường là phải xem xét kỹ hơn, chứ không chỉ là hỗ trợ di dời.
Ngược lại thời gian, khu vực này vốn là đất của Công ty nạo vét đường thuỷ và Xí nghiệp liên hiệp Ba Son. Cả hai đơn vị này - đã cắt đất tạm giao cho cán bộ công nhân viên, nhưng trong các quyết định tạm giao không nói rõ diện tích là bao nhiêu. Một số hộ dân được cấp đất đã cơi nới, lấn chiếm thêm và mua bán, sang nhượng bằng giấy tay cho nhiều người làm hình thành cả một khu dân cư.
Trên thực tế, trong tình hình hiện nay, người dân không biết đi đâu, về đâu khi trong tay chỉ có vài chục triệu đồng. Trường hợp của chị Trần Kim Phượng - dù đang sắp đến ngày sinh nở đứa con đầu lòng - nhưng lúc nào chị cũng thắc thỏm lo lắng về chuyện nhà bị di dời. Với số tiền được hỗ trợ di dời 10 triệu đồng, cùng với số tiền hỗ trợ xây dựng nhà khoảng hơn 10 triệu nữa, chị Phượng đang đứng trước cảnh "dở khóc dở cười", vì với số tiền hỗ trợ như vậy chỉ đủ mua 1/10 một căn hộ chung cư loại trung bình. Trong khi đó, nguy cơ bị cưỡng chế của các hộ dân ở đây chỉ còn là chuyện thời gian.
Theo Lao Động