1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quẩn quanh với... tử thi

Phẫu tích tử thi liên quan đến vận mệnh của con người, đến sự thật của vụ việc nên bác sĩ pháp y không được phép sai sót

1 giờ. Chuông điện thoại reo vang. Khoác vội bộ quần áo lên người, bác sĩ Hồ Kim Châu, Trưởng Khoa Khám nghiệm - Viện Pháp y Quốc gia, vội cùng 2 kỹ thuật viên Nguyễn Đức Chính và Lê Thành Trung lên đường tới hiện trường vụ tai nạn giao thông bị nghi ngờ là một vụ án mạng.

 

Đến nơi, mặc máu me vương vãi khắp nơi và hương khói nghi ngút, họ lặng lẽ bắt tay mổ xẻ thi thể nạn nhân. Hai giờ sau, kết luận được đưa ra: Đây chỉ là một vụ tai nạn giao thông đơn thuần.

 

“Tử thần” gọi, bác sĩ pháp y trả lời

 

Phòng làm việc của các bác sĩ, kỹ thuật viên pháp y tuềnh toàng, lạnh lẽo. Là một trong những khoa chủ lực của Viện Pháp y Quốc gia nhưng Khoa Khám nghiệm chỉ có 3 người thuộc biên chế chính thức. “Ai vào đây một thời gian cũng bỏ việc cả. Họ không chịu được áp lực công việc cũng như bị ám ảnh bởi những tử thi” - bác sĩ Châu giải thích.

 

Khoa chỉ 3 nhân sự nhưng lúc nào cũng phải có ít nhất 2 người túc trực để xử lý các tình huống bất ngờ. “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những tin tức chết chóc, những tử thi vô thừa nhận, những vụ án mạng rùng rợn. Quẩn quanh với các tử thi mãi nên công việc này đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng hễ “tử thần” gọi là anh em mình phải trả lời” - bác sĩ Châu tâm sự.

 

Dù pháp y của ngành công an đã đảm đương một khối lượng công việc không nhỏ nhưng những vụ khó nhất, phức tạp nhất vẫn đến tay Khoa Khám nghiệm - Viện Pháp y Quốc gia. Mỗi năm, bác sĩ Châu và các cộng sự của mình phải “làm việc” với hàng trăm tử thi trong những tình huống, bối cảnh khác nhau.

“Cả đời làm bác sĩ pháp y, tôi không nhớ nổi mình đã tiếp xúc với bao nhiêu tử thi. Có lẽ tôi đã phẫu tích cả ngàn thi thể của những vụ giết người, tai nạn, những xác chết vô thừa nhận…” - ông Châu cho biết.

 

“Những vụ rùng rợn, đáng sợ nhất thì chúng tôi lại phải lao vào. Kể cả phải ngâm mình dưới nước để phẫu tích tử thi khi đỉa cắn dưới chân, dòi bọ bò quanh người cũng phải chấp nhận. Chúng tôi cũng không được phép từ chối những tử thi mang mầm bệnh, thậm chí cả HIV” - TS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, nói.

 

“Đồ tể” giúp đời

 

Bác sĩ Châu cho biết nhiều người xem ông và các bác sĩ pháp y nói chung là những kẻ “máu lạnh” vì trước nhiều cái chết thương tâm, những tử thi thối rữa..., ông và đồng nghiệp vẫn phải bình thản, lạnh lùng. Tuy nhiên, ông bộc bạch: “Nghề này nếu ai sợ hay có máu nóng thì không thể làm được. Nhờ chiến thắng nỗi sợ hãi, tôi mới bám trụ được hơn 30 năm nay với cái nghề mà chỉ nghe thôi, người ta đã thấy hãi hùng”.

 

Tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa ở Liên Xô về, ông Châu nhận công tác tại bộ phận khám nghiệm Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Ông đã tiếp xúc với đủ loại tội ác và nhiều vụ án mạng ghê rợn qua những năm tháng khám nghiệm tử thi trong các vụ án hình sự. Sau đó, ông chuyển về  Viện Pháp y Quốc gia.

 

Cùng là ngành y nhưng trong khi bác sĩ làm việc ở các cơ sở khám - chữa bệnh được ca ngợi là “lương y” thì bác sĩ pháp y lại bị gọi là “đồ tể”. Trong cuộc đời làm nghề của mình, bác sĩ Châu không ít lần phải đối diện với những ánh mắt thiếu thiện cảm. “Nhiều người biết chúng tôi làm nghề này chẳng muốn ngồi gần, chẳng muốn tiếp xúc, nói chuyện” - ông Châu cảm khái.

 

Các bác sĩ pháp y phẫu tích tử thi một vụ tai nạn máy bay. Ảnh: VIỆN PHÁP Y QUỐC GIA

Các bác sĩ pháp y phẫu tích tử thi một vụ tai nạn máy bay. Ảnh: VIỆN PHÁP Y QUỐC GIA

 

Nguyên tắc của bác sĩ pháp y là không bao giờ mang chuyện công việc về nhà để tránh không khí nặng nề, u ám trong gia đình. Những bác sĩ pháp y luôn tự dặn mình không bao giờ được gắp thức ăn cho người khác, không vắt chanh trong mâm cơm... để tránh cho người ngồi cùng mâm sợ không dám ăn.

 

TS Vũ Dương kể có lần, ông mổ tử thi một nạn nhân chết cháy. Vài ngày sau, ông dự một bữa tiệc có món heo quay. “Một sự liên tưởng bất chợt khiến tôi vội buông đũa và bỏ cả bữa tiệc” - ông nhớ lại.

 

Pháp y là lĩnh vực giao điểm giữa luật pháp và y học, liên quan đến vận mệnh của con người, đến sự thật của vụ việc nên bác sĩ không được phép sai sót. “Bác sĩ pháp y nào cũng từng bị mua chuộc để làm sai lệch kết quả khám nghiệm nhằm mang lại lợi ích cho một bên nào đó. Tuy nhiên, nếu làm sai, hậu quả sẽ khôn lường, cái giá phải trả rất đắt. Khi đó, bác sĩ pháp y không chỉ chịu trách nhiệm trước công an, TAND, VKSND, nạn nhân... mà còn đứng trước tòa án tâm linh và lương tâm” - TS Dương nhìn nhận.

 

Bác sĩ Châu vẫn khắc cốt ghi tâm chuyện khám nghiệm sai lệch sẽ dẫn đến những bi kịch cho cuộc đời của những người vô tội. Trong giới pháp y, đã từng có những bài học đắt giá khi bác sĩ cố tình làm sai lệch vụ việc và phải đánh đổi bằng cả cuộc đời. “Làm nghề này, nếu sợ thì không làm được nhưng chưa đủ. Nếu không có cái tâm trong sáng thì bác sĩ pháp y sớm muộn gì cũng phải trả giá” - ông thổ lộ.

 

Nghề “mời cũng không ai làm”

 

Khám nghiệm tử thi những người mới chết có thể tốn thời gian hơn nhưng không ám ảnh bằng những vụ phẫu tích xác đã phân hủy. “Mùi tử khí có thể bám trên cơ thể chúng tôi cả tuần. Vì vậy, quần áo, giày dép, vật dụng khi khám nghiệm đều phải vứt hết... Nhiều người hỏi tôi rằng có yêu nghề này không mà sao bao lời mời từ các bệnh viện, tôi đều từ chối? Tôi chỉ trả lời họ đơn giản rằng tôi đã làm việc này 30 năm rồi” - bác sĩ Châu cho biết.

 

Điều mà TS Dương, bác sĩ Châu và những người có tâm huyết với nghề pháp y trăn trở là công việc này “mời cũng không ai làm” nên rất khó kiếm người kế cận. “Nếu những người như bác sĩ Châu không còn sức khỏe để làm nghề này nữa hay về hưu thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới tìm được người thay thế” - TS Dương lo ngại.

 

Theo Mạnh Duy
Người lao động