1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quân nhân đã phục viên sẽ được hưởng chế độ hưu trí

(Dân trí) - Quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ sẽ được hưởng chế độ hưu trí bình thường.

Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính vừa có Thông tư Liên tịch số 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí.

Theo đó, căn cứ tính lương hưu là thời gian công tác thực tế đã được xác định trong hồ sơ phục viên, xuất ngũ hoặc hồ sơ thương binh của mỗi người. Thời gian được tính kể từ ngày 31/3/2000 trở về trước, nếu có đứt quãng thì được cộng dồn. Trường hợp có tháng lẻ thì dưới 3 tháng không tính, có từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính bằng nửa mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu có từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính bằng mức hưởng của 1 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Tiền lương tháng làm căn cứ để tính lương hưu bao gồm lương cấp hàm, ngạch, bậc và phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ (nếu có) trong 5 năm cuối trước khi phục viên, xuất ngũ hoặc chuyển sang trung tâm điều dưỡng Thương binh. Mức tiền lương tối thiểu để làm cơ sở tính lương hưu là  290.000 đồng/tháng.

Đối tượng áp dụng là quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1/4/2000 hoặc là thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh hoặc từ trung tâm điều dưỡng thương binh đã về gia đình nhưng chưa được hưởng chế độ hưu trí. Thời gian phục vụ trong quân đội nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

Phúc Hưng