Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng:
Quản lý Nhà nước còn rất yếu
(Dân trí) - “Nếu đi kỹ hơn nữa sẽ thấy trong Ban quản lý dự án này có rất nhiều tiêu cực không kém gì những tiêu cực của Ban quản lý dự án giao thông.” - Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại QH, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đưa ra nhận định gây "sốc" về các Ban quản lý dự án rừng.
"Quản lý Nhà nước còn rất yếu". Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân khi tham gia ý kiến thảo luận về việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. “Tôi cho rằng, sự quản lý, phối hợp giữa các thành viên Chính phủ, giữa các Bộ trong Chính phủ về chương trình này là một lỗ hổng rất lớn”, ông Trân nhận xét. Không chỉ vậy, đại biểu Trân còn cho rằng có nhiều tiêu cực khi thực hiện dự án này.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa X (12/1997), QH đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2010. Nhiệm vụ của Dự án đặt ra là đến năm 2010 trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó có 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 3 triệu ha rừng sản xuất. Ngoài ra, khoanh nuôi phục hồi tái sinh tự nhiên 2 triệu ha. Tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án dự kiến là 31.650 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, báo cáo giám sát của QH cho thấy, giai đoạn 1998-2005, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trồng mới được 644.812 ha, chỉ đạt 32,2%. Rừng nguyên liệu công nghiệp trồng được 664.556 ha, chỉ đạt 22%. khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 763.582 ha, (trong đó khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 645.107 ha, khoanh nuôi có trồng bổ sung cây lâm nghiệp 118.475 ha), đạt 38,2% so với nhiệm vụ đến năm 2010
Đánh giá về những tồn tại của dự án, UBTVQH cho rằng, việc triển khai thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chưa bám sát Nghị quyết của Quốc hội, từ đó có sự thay đổi lớn về chỉ tiêu nhiệm vụ của Dự án như giảm diện tích rừng trồng; tăng tổng số vốn thực hiện từ 31.650 tỷ lên 33.000 tỷ đồng; chất lượng rừng còn kém, khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp...
Tiêu cực không kém các dự án giao thông?
Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại QH Nguyễn Ngọc Trân, người nổi tiếng với những ý kiến rất thẳng, đưa ra nhận định gây “sốc”: “Nếu đi kỹ hơn nữa sẽ thấy trong Ban quản lý dự án này có rất nhiều tiêu cực, không kém gì những tiêu cực của Ban quản lý dự án chương trình giao thông. Cái này nếu phanh ra chắc chắn có tiêu cực trong đó, và không ít đâu”.
Đánh giá về trách nhiệm cá nhân trong báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, báo cáo 11 trang của Bộ trưởng chỉ có nửa trang dành cho đánh giá các nguyên nhân chủ quan, và trong số bốn, năm nguyên nhân chủ quan đưa ra không thấy bóng dáng của một con người cụ thể nào, một tổ chức, một cá nhân cụ thể nào có liên quan. “Nhiệm vụ đặt ra thì không hoàn thành, nhưng kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức và cá nhân thì không có”, ông Xuân bức xúc đặt câu hỏi..
Cũng theo đại biểu Xuân dự án này có rất nhiều ban và đều hưởng phần trăm từ chương trình và phầm trăm quản lý phí nhưng phần lớn là hoạt động kiêm nhiệm nên khi nhiệm vụ không hoàn thành cũng không thể quy trách nhiệm được cho ai. “Như vậy, thực chất các ban này đặt ra để làm gì?”, ông Xuân đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đề xuất ý kiến cần phải cho phép khai thác rừng, khai thác thu hồi vốn và sử dụng nguồn sinh lời là mục tiêu quan trọng của người trồng rừng. Nếu không, theo ông Vang sẽ lại như câu chuyện nuôi bò của Hợp tác xã trước đây. Bò dùng để cày, không cho giết thịt vì vậy vừa không có thịt để ăn, bò lại gày, cuối cùng bò không phát triển. Từ khi bò không vào Hợp tác xã nữa, bò có chủ và cho phép giết thịt bò, có thị trường, đàn bò đã tăng từ 2,78 triệu con lên 6,5 triệu con hiện nay, gấp hơn 2 lần.
Theo kiến nghị của UBTVQH, QH cần ra Nghị quyết bổ sung về điều chỉnh nhiệm vụ dự án giai đoạn 2006-2010 với các chỉ tiêu bảo đảm tính khả thi của dự án và một số giải pháp tiếp tục thực hiện Dự án giai đoạn 2006-2010. Trong đó cần tăng cường công tác giám sát hàng năm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội.
Đức Hòa