Triển lãm với chủ đề “Da cam - lương tri và công lý” là một hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 52 năm thảm họa dioxin Việt Nam (1961 – 2013) và hưởng ứng ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 10/8. Triển lãm bắt đầu mở cửa từ chiều ngày 23/7 đến ngày 12/8.
Phát biểu tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) cho biết: Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra; đó là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% chất da cam, chứa 366kg dioxin phun rải xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam gây tác hại lâu dài tới môi trường và sức khỏe con người.
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân. Và thật đau lòng, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo…
Những người bị di chứng chất da cam/dioxin được nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương
“Triển lãm “Da cam - lương tri và công lý” mong muốn góp phần giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, những cố gắng lớn lao của nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; tôn vinh những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam, những tấm gương vượt khó vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam”, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng phát biểu.
Tại triển lãm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên và người dân đã xúc động với hình ảnh của các em là nạn nhân của chất độc da cam. Bạn Thanh Thủy, đến từ trường ĐH Đà Nẵng sau khi xem các hình ảnh trưng bày, rưng rưng chia sẻ, em sẽ dành một chút công sức nhỏ bé của mình để có thể giúp các nạn nhân da cam vượt qua khó khăn.
Anh Trần Quốc Hoàn (SN 1975, tỉnh Thanh Hóa) bị teo liệt nửa người bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam từ bố là cựu chiến binh Trần Kim Khả. Anh đã vượt lên khó khăn để học tập, rèn luyện thể thao và anh đã đoạt 18 giải Paragame của quốc gia và tỉnh
Anh Lê Văn Hùng (23 tuổi, ở xã Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa) có bố mẹ tham gia chiến trường Quảng Nam năm 1971. Mặc dù hai chân bị teo không đứng được nhưng hàng ngày anh vẫn đi bằng hai tay lấy rơm nấu cơm, phụ giúp gia đình
Chị Phạm Thị Vượng (SN 1978, trú xã Bình Trung, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chỉ cân nặng 12kg, cao 0,8m, bại liệt bẩm sinh nửa người dưới nhưng chị vẫn cố gắng học văn hóa, nữ công gia chánh, bán hàng tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình
Ông Vũ Đức Tạo (tỉnh Thanh Hóa) chiến đấu ở chiến trường B2 có 3 con nhiễm chất da cam, trong đó có 1 cháu dã chết
Can nhựa dùng để chứa chất độc CS của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Mặt nạ và bình dưỡng khí mà quân đội Mỹ dùng trước khi đi rải chất độc da cam
Những thùng chất độc hóa học của Mỹ tại sân bay Đà Nẵng năm 1973
Bộ đội rà phá bom mìn chuẩn bị cho việc tẩy rửa chất da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Nhiều bạn trẻ và khách nước ngoài đến thăm triển lãm.
Công Bính