1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt

(Dân trí) - Ra giêng, người dân nghèo vùng rốn lũ huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh đang phải “oằn” mình mưu sinh kiếm từng bó rau, bát cháo sống qua ngày. Cái đói mùa giáp hạt đang bủa vây hàng ngàn hộ dân nơi đây.

Chúng tôi vừa có dịp trở lại thăm những người dân khốn khó nơi vùng rốn lũ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Mùa giáp hạt nơi cơn lũ đi qua

Với người dân vùng rốn lũ Hương Khê chắc hẳn rằng họ sẽ không bao giờ quên hai cơn lũ kép lịch sử đổ xuống mảnh đất này vào cuối năm ngoái. Mưa như trút, nước ào ào từ sông suối đổ về, bỗng chốc nhấn chìm làng mạc trong biển nước. Lũ đi qua, nhiều gia đình chỉ còn hai bàn tay trắng. Những tháng ngày sau lũ họ chỉ biết sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và chờ từng cân gạo cứu đói. Hết gạo cứu trợ họ đã vào rừng đốt than, hái củi mang ra chợ đổi lấy cân gạo, củ sắn củ khoai.

Chỉ cách thị trấn Hương Khê chừng vài km nhưng về xã Lộc Yên vào “mùa giáp hạt” chúng tôi không thể tưởng tượng được cái đói, cái nghèo đang bủa vây lên đầu người dân. Khi nghe ông Trần Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên liệt kê lên con số 58,3% hộ nghèo, 24% cận nghèo ở xã nhà, chúng tôi cũng đã hiểu được phần nào về cuộc sống của người dân Lộc Yên.

Rời trụ sở xã Lộc Yên, chúng tôi được anh Nguyễn Thành Vinh một cán bộ văn hóa xã dẫn về xóm Yên Sơn. Anh Vinh cho biết: “Yên Sơn hiện có 80 hộ dân với 310 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 73%, số còn lại hầu hết cũng nằm trong diện cận nghèo”.

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt - 1
Không có nước tưới tiêu để trồng lúa nên hàng trăm hộ dân xã Lộc Yên phải bỏ ruộng hoang, số ít cũng chỉ trồng được mảnh rau màu èo uột 

Đến Yên Sơn lúc đã gần trưa nhưng từ đầu làng đến cuối xóm một không khí vắng hoe đến lạ thường. “Giờ này thì già trẻ chi cũng đang ở trong rừng cả. Muốn gặp họ thì phải quá trưa và chiều tối” - anh Vinh cho hay.

Trời đã xế chiều, từ trong dãy núi cuối xóm, chúng tôi bắt gặp 3 người đàn ông chân tay đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhãi. “Đợt ni trong rừng họ chặt keo, gỗ tạp để trồng cao su nên mấy anh em vô “mót” những cành nhỏ sót lại đốt kiếm ngày vài bì than về bán lấy tiền đong cân gạo ăn qua ngày nhưng cũng khó khăn lắm. Có khi đi 3 - 4 ngày mới được vài bì than mang về nhà. May lắm cũng bán được vài trăm nghìn” - anh Phan Văn Tâm, xóm Yên Sơn cho biết.

Ăn rau, cháo, khoai sắn… thay cơm

Căn nhà đầu xóm nằm giữa một vườn lạc èo uột, trống hoác tứ bề. Đó là nhà anh Phan Văn Tâm và chị Nguyễn Thị Chung cùng bốn đứa con nhỏ. Anh Tâm cho biết, trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, vợ chồng anh đã nhiều lần phải bấm bụng cho các con ăn rau, ăn cháo thay cơm.

Rót ly nước mời khách, chị Chung ngậm ngùi kể: “Đợt lụt cuối năm ngoái nước ngập tới nóc nhà. Bao nhiêu lúa gạo và tài sản trong nhà đều bị lũ cuốn trôi. Sau lũ cũng có gạo cứu trợ của nhà nước hỗ trợ nhưng chỉ được phần nào đó thôi. Nhiều lúc thiếu gạo ăn cả nhà phải ăn rau, ăn cháo và khoai sắn. Trời nắng chồng còn đi đốt được vài bì than, tui cũng làm được vài chuyến củi thì vẫn còn đôi đồng mà đong gạo. Mưa xuống độ dăm bảy ngày là cả nhà lại không có cơm mà ăn”.

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt - 2
Nhiều hôm chị Chung ngậm ngùi nấu cháo cho cả gia đình ăn tạm thay cơm

Cạnh nhà vợ chồng anh Tâm là hoàn cảnh cực kỳ bi đát của chị Trần Thị Hoài và con trai Trần Văn Nam. Căn nhà nhỏ trống trơ xiêu vẹo sắp sập không có gì đáng giá. Chị Hoài vốn nghèo lại nhiều bệnh tật nên khi có con, người chồng đã bỏ mẹ con chị đi biệt xứ. Dù ốm đau liên miên nhưng chị cũng phải gượng dậy sống và nuôi con khôn lớn. Năm nay, con trai chị cũng đã 5 tuổi. Những lúc chị Hoài đau ốm nằm một chỗ, cháu Nam lại còn nhỏ nên mẹ con chị sống nhờ vào sự cưu mang của xóm làng.

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt - 3
Ngôi nhà trống hoác không có gì đáng giá của mẹ con chị Trần Thị Hoài

“Tội cho mẹ con chị ấy. Mẹ thì đau ốm suốt, con lại đang còn nhỏ dại. Nhiều lúc mưa gió nằm nhịn đói mấy ngày liền. Bà con xóm làng đây đều nghèo nên cũng chỉ cho mẹ con chị được bát cháo trắng, dăm bảy cọng rau muống, rau lang…” – ông Trưởng thôn Võ Thanh Luyện cảm thương cho hoàn cảnh mẹ con chị Hoài.

Ông Luyện ngần ngại khi phải thú thật: “Hầu như năm nào cũng thế, cứ đến mùa giáp hạt là người dân xóm Yên Sơn lại thiếu đói. Cuối năm ngoái do bị thiệt hại nặng nề trong hai cơn lũ nên năm nay lại càng thiếu đói hơn. Chuyện nấu rau cháo ăn thay cơm thì hầu như nhà nào cũng có. Phần nhiều là ăn cháo và ăn một bữa cơm trong ngày”.

Rời xóm nghèo Yên Lộc, chúng tôi men theo con lộ bùn đất nhầy nhụa để đến với xóm Hương Yên. Mới đến đầu xóm, trước mắt chúng tôi là cảnh vật tiêu điều: những mái nhà lá rách vá đùm vá túm, những khoảng sân đầy cỏ dại và sình lầy, những người nông dân mặt đen sạm, tay chai sần, áo quần lem luốc

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt - 4

Với người dân nghèo vùng lũ Hương Khê mùa giáp hạt này họ phải ăn rau, cháo thay cơm

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm những hộ dân nghèo trong xóm, ông Nguyễn Chí Thiên - Trưởng thôn Hương Yên cho biết: “Hiện cả xóm hiện có 93 hộ dân, trong đó số hộ nghèo và cận nghèo đã chiếm gần 75%. Cuộc sống của người dân chủ yếu là trồng lúa và rau màu. Nhưng từ khi đập Khe Sắn vỡ năm 2007, không có nước tưới tiêu người dân chỉ biết trồng hoa màu. Chính vì thế, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng người dân thôn Hương Yên. Hơn nữa, hai trận lũ lụt cuối năm ngoái, Hương Yên là một trong những xóm chịu thiệt hại nặng nề nhất của xã và huyện”.

Dứt lời, ông Thiên lại xăm xăm dẫn chúng tôi vượt một ngọn đồi để đến một gia đình nằm đối diện với đập Khe Sắn. Đó là nhà gia đình anh Lê Văn Hùng. Dưới cái nắng “hiếm hoi” những ngày này, chị Nguyễn Thị Xuân (vợ anh Hùng) đang làm đất dâm khoai, trồng sắn trong khoảng vườn trước nhà. “Ra tết đến giờ mưa suốt có làm được chi mô. Hôm ni trời có hửng nắng nên tui đi mượn con trâu trong xóm về làm đất cho tơi để trồng ít sắn, khoai lang để còn có cái mà ăn chứ từ khi đập Khe Sắn vỡ đến giờ ruộng cũng chỉ làm được vài miếng nho nhỏ nằm bên khe. Một năm làm được một mùa. Được mùa thì cũng chỉ được vài tạ lúa xép thôi” - chị Xuân đang bừa đất kể trong xót xa.

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt - 5
Nắng lên, chị Xuân đang tranh thủ mượn trâu về làm đất để tròng sắn, trồng rau

Nhà vợ chồng anh Hùng có 4 người con. Nhà vốn nghèo, anh Hùng lại bị bệnh u gan nên những người con của anh cũng sớm bỏ học đi làm thuê. Tạm gác lại công việc, chị Xuân ứa nước mắt: “Từ ngày anh bị bệnh, nhà cửa có cái gì đáng giá cũng đều đem bán để chạy chữa cho anh. Bệnh tình không đỡ mà còn nặng hơn. Nợ nần chồng chất, con cái bỏ học đi làm thuê. Giờ cái ăn qua ngày cũng bữa có bữa không. Ra tết đến nay đã có bữa nào no đủ đâu”. Nói đến đó, chị Xuân dẫn chúng tôi vào xem chiếc sập chỉ còn dăm cân thóc ẩm mốc.  “Không biết mai mốt lấy gì mà ăn đây” - người đàn bà khắc khổ nói vọi với chúng tôi.

Quặn lòng rốn lũ Hương Khê mùa giáp hạt - 6
"Còn chừng ni lúa nữa không biết mai mốt biết lấy gì mà ăn đây" - chị Xuân lo lắng

Không chỉ ở Lộc Yên, muà giáp hạt này hàng ngàn hộ gia đình các xã vùng xuôi như: Hương Thủy, Hà Linh, Phương Mỹ, Phương Điền… cũng đang đói kém.

Đặng Tài – Văn Dũng