Quận Hoàn Kiếm cấp sổ đỏ cho người dân trên đất quốc phòng
(Dân trí) - UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân trên diện tích đất quốc phòng là vi phạm Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện bán nhà theo Nghị định 60 và Nghị định 61 của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với UBND TP Hà Nội trong thời kỳ từ năm 2011 đến 30/9/2013.
“Kiểm tra thực tế phát hiện một số dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích; có dự án sau khi được giao đất, chậm triển khai trên 24 tháng, đồng thời vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để” - thông báo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Đơn cử, ngày 1/10/2012, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định cho UBND xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, nay là phường Mỹ Đình - quận Nam Từ Liêm) thuê 10.224m2 đất để xây dựng Khu trung tâm thương mại Mỹ Đình. Thanh tra Chính phủ khẳng định việc này trái với quy định của Luật đất đai.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng nhà, đất của Công ty Bảo Hiểm Hà Nội và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) có nhiều sai phạm phải xem xét, xử lý. Trong đó, kết luận thanh tra cho biết Công ty Bảo hiểm Hà Nội và Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) ký kết hợp đồng liên danh một bên góp đất và một bên góp tiền làm nhà ở, nơi làm việc. Trong khi Cục Đối ngoại chưa được cơ quan cấp trên cho phép liên danh, liên kết thì UBND TP Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng. Sau đó UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho một số hộ dân trên diện tích này. Theo kết luận thanh tra, 17 căn hộ tại đây là tài sản của nhà nước do Công ty Bảo hiểm Hà Nội quản lý, chưa thanh lý hóa giá, nên việc UBND quận Hoàn Kiếm cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trên diện tích đất quốc phòng là vi phạm Luật Đất đai 2003 và các văn bản pháp luật về việc bán nhà theo Nghị định 60 và Nghị định 61 của Chính phủ. Đáng chú ý, 6 hộ gia đình sau khi được Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam phân phối nhà ở đã không sử dụng mà bán đi, vi phạm Quyết định 150 của Chính phủ về tiêu chuẩn phân phối diện tích làm việc và diện tích ở.
Trong lĩnh vực đầu tư dự án, đầu tư xây dựng công trình giao thông, hạ tầng đô thị, Thanh tra Chính phủ cho rằng TP Hà Nội chưa có biện pháp xử lý dứt điểm các sai phạm. “Một số chủ đầu tư chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu như chưa lựa chọn nhà thầu, trình tự đánh giá hồ sơ dự thầu. Công tác quản lý dự án, giám sát tiến độ của một số chủ đầu tư đối với nhà thầu chưa thường xuyên so với tiến độ phê duyệt, phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, làm tăng vốn ngân sách” - kết luận cho biết.
Trong khi đó, tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra tại các dự án còn quá chậm: Năm 2011 có 291 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoàn thành hoặc chưa triển khai giải phóng mặt bằng; năm 2012 có 154 dự án chậm giải phóng giải phóng mặt bằng; 6 tháng đầu năm 2013 có 131/137 dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tại quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (cũ) công tác quản lý đất công còn thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch như không có hồ sơ địa chính, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, cho thuê trái phép…
Kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội nghiên cứu cơ chế xử lý đối với một số dự án đã giải phóng mặt bằng xong do điều chỉnh quy hoạch, phương án sản xuất kinh doanh…, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh thì cho phép tạm sử dụng vào mục đích khác (có thời hạn).
“Việc sử dụng tạm thời vào mục đích khác phải được chấp thuận của thành phố và tuân thủ đúng quy định của luật pháp, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Ngân sách nhà nước” - Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đất đai. Theo đó, Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát lại tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn; kiểm tra việc bồi thường đất công, đất 5%; thực hiện việc giao đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế phải thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo quy định hiện hành… Riêng đối với quản lý các dự án đầu tư, Hà Nội cần chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý nhà nước về giám sát sau đầu tư, giảm thiểu số lượng các dự án không triển khai, chậm triển khai đang tồn tại như hiện nay; xử lý nghiêm các chủ đầu tư không chấp hành.
Thế Kha