Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh:
“Quan hệ với nước lớn, phải nói được thẳng thắn điểm bất đồng”
(Dân trí) - “Trong quan hệ quốc phòng, bên cạnh việc phát huy những điểm đồng, phải nói được những điểm còn bất đồng và đấu tranh thẳng thắn; kiểm soát hành vi để không tạo ra những đứt gãy giữa 2 bên”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với PV Dân trí.
Ta có thể thấy rất rõ trong vòng chưa đầy một tháng, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức đối thoại quốc phòng biên giới với Trung Quốc rất thành công, đồng thời đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đến thăm. Giữa những sự kiện ấy, Bộ trưởng Quốc phòng ta lại có chuyến thăm Ấn Độ, dù rất ngắn, chỉ hơn một ngày nhưng đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp giữa hai nước. Rõ ràng chúng ta đã quan hệ cùng lúc với nhiều nước một cách công khai, minh bạch; tất cả các nước đều bày tỏ sự tôn trọng, mong muốn xây dựng quan hệ với chúng ta và việc hợp tác với Việt Nam vừa đem lại lợi ích cho người ta vừa mang lại lợi ích cho mình.
"Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Caster vừa qua rất quan trọng vì rơi vào thời điểm sắp tiến tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và cũng là kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói là chuyến thăm này có thể mang đến sự thay đổi trong quan hệ quốc phòng giữa 2 nước thì không chính xác vì quan hệ này đã được xúc tiến hơn 10 năm qua, đã có những bước tiến một cách vững chắc, từng bước với nhịp độ vừa phải mà hai bên đều hài lòng". |
Việc Bộ trưởng Quốc phòng của ta liên tiếp có những hoạt động đối ngoại với người đồng cấp ở các nước như thế cũng có ý kiến phân tích cho rằng, đó cũng mới chỉ là hình thức để truyền tải thông điệp, quan điểm. Còn về hàm lượng, chất lượng thực chất những hoạt động đó mới là điều đáng bàn?
Trong mối quan hệ giữa chúng ta với một nước nào đó bao giờ cũng tồn tại những điểm đồng và bất đồng, bao giờ cũng có những nội dung thuận và nghịch, những cái khác biệt. Đấy là một quy luật không thể khác được. Với các nước lớn, những điểm đồng hoặc khác biệt ấy sẽ càng trở nên phức tạp hơn nếu điểm đồng ít đi và điểm bất đồng cứ lớn lên. Trong quan hệ với mỗi nước, tỷ lệ những điểm tương đồng và bất đồng cũng khác nhau, có những quốc gia rất ít điểm bất đồng, nhiều điểm tương đồng và ngược lại.
Với Trung Quốc cũng vậy, chúng ta có những điểm đồng rất cơ bản và cũng còn tồn tại những điểm bất đồng. Tôi chia sẻ với cách đặt vấn đề là trong khi 2 nước quan hệ như thế mà vẫn có những vấn đề trên Biển Đông nhưng cũng phải nhìn tồn tại thực tế để tăng cường những điểm đồng thuận.
Vấn đề thực chất trong quan hệ, nhất là quan hệ quốc phòng, bên cạnh việc phát huy những điểm đồng, phải nói được những điểm còn bất đồng và đấu tranh thẳng thắn; xác định hành vi sao cho những điểm bất đồng ấy không phát triển phức tạp hơn lên và đặc biệt là không tạo ra những đứt gãy giữa 2 bên.
Ví dụ, một vấn đề đặt ra với quân đội 2 bên là làm sao kiềm chế các hành động, kiểm soát tình hình để không để xảy ra xung đột mặc dù chúng ta còn những mâu thuẫn, bất đồng với Trung Quốc trên Biển Đông. Bên cạnh đó, quân đội 2 nước phải tham mưu cho lãnh đạo 2 nước để giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Còn việc giải quyết những mâu thuẫn, những bất đồng ấy là việc chung của Đảng, Nhà nước và rất nhiều ngành khác của cả 2 bên chứ không chỉ là quân đội.
Nhưng kêu gọi những sự ủng hộ như vậy thì có dễ đứng về một phía nào hay không?
Rõ ràng là trong bối cảnh chung của khu vực, nếu chúng ta không vững vàng hoặc vì lợi ích cục bộ, chúng ta có thể dựa vào một nước nào đó, đứng hẳn về một bên nào đó để có những lợi ích, để giải quyết những vấn đề trước mắt của chúng ta. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, không thể có sự ổn thỏa, hòa bình bền vững nếu chúng ta cứ lựa chọn đứng hẳn về một bên mà chúng ta phải giữ một cách hài hòa trong môi trường quốc tế vốn dĩ đã rất phức tạp. Giả sử, sự ổn định có là tương đối đi thì đến một lúc nào đó việc này cũng lại trở nên phức tạp. Lúc phức tạp đấy là lúc chúng ta bị phương hại đến lợi ích nếu chúng ta nghiêng hẳn về một bên nào. Vậy nên chúng ta đã có chủ trương kiên định về độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong đường lối đối ngoại. Bên cạnh đó, chúng ta quan hệ một cách rộng rãi với tất cả các nước. Độc lập tự chủ, theo đó, vừa là phương châm, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để chúng ta không bị ảnh hưởng bởi quan hệ của các quốc gia khác làm phương hại đến lợi ích của đất nước mình.
Như ông nói thì ta có thể kiểm soát hành động được bằng cách nào, giải quyết vấn đề bằng cách nào khi họ vẫn tiếp tục tăng cường vũ trang trên đảo mà một mặt vẫn biện minh là chỉ đầu tư những hạng mục phi quân sự trên biển?
Như tôi đã nói, đấu tranh là một chuyện khác còn quan hệ mang tính chất đại cục giữa hai quốc gia lại là một chuyện khác. Tất nhiên chuyện trên biển Đông và vấn đề quan hệ 2 nước không thể tách rời nhau, ta không được phép lẩn tránh, không được phép bỏ vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự giữa 2 bên và phải đấu tranh thẳng thắn. Trong mặt trận đấu tranh chung thì quân đội khi quan hệ với nước bạn cũng phải thực hiện nhiệm vụ này.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!