1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: “Vừa hợp tác vừa đấu tranh”

(Dân trí) - Khái quát về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, lợi ích chính đáng của dân tộc.

Đại biểu Quốc hội đang chất vấn trực tiếp Thủ tướng
Thủ tướng lắng nghe các câu hỏi của đại biểu
 
Vì nội dung báo cáo giải trình kéo dài hơn thời lượng dự kiến, các đại biểu có tối đa 45 phút để chất vấn trực tiếp Thủ tướng. Trong số 10 câu hỏi, đại biểu đặt nhiều mối quan tâm vào vấn đề Biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, giải pháp giữ biển của Chính phủ...
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt vấn đề tiềm năng “biển bạc” của đất nước mà Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đã căn dặn “Biển Đông ngàn dặm dang tay giữ”. Ông Đương muốn biết, Chính phủ đã có chiến lược, biện pháp gì để phát huy nguồn lực này?
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến nên lập Bộ Kinh tế biển.

Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến nên lập Bộ Kinh tế biển.


Ngoài ra, theo ông Đương, nên lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT để tập trung cho nhiệm vụ này. Ông Đương muốn biết quan điểm của Thủ tướng về đề xuất này.
 
Trả lời chất vấn của ông Đương, Thủ tướng đáp, với Việt Nam, biển quan trọng thế nào ai cũng biết. Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch và triển khai hành động để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển và đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với mong muốn. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung xem xét việc này, căn cứ vào nguồn lực quốc gia, vào nợ công để có chiến lược đầu tư cho kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
 
Còn việc phân tách hoạt động đầu tư trên biển và trên bờ, theo Thủ tướng là khó ước lượng vì đầu tư cho khu vực nào cũng là tương hỗ, cũng là cùng mục đích để phát triển đất nước.

Ghi nhận đề xuất thành lập Bộ Kinh tế Biển, Thủ tướng cho rằng đã nghe ý kiến này nhiều lần. Tuy nhiên, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia, khai thác dầu khí, vận tải biển, du lịch biển… không thể giao cho một Bộ được. Hiện tại, Chính phủ phân công Bộ TN-MT quản lý về tài nguyên biển còn các lĩnh vực giao cho từng Bộ cụ thể. Ví dụ ngành thủy sản giao cho Bộ NN&PTNT (trước là Bộ Thủy sản); vận tải biển giao cho Bộ GTVT; khai thác tài nguyên dầu khí phải giao Bộ Công thương, du lịch biển giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Như vậy, theo Thủ tướng, các lĩnh vực cần phân tách chứ không thể giao cả cho một Bộ.
 
“Nhiệm kỳ này chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi, làm sao cố gắng phân định nhiệm vụ rạch ròi cho rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì từng lĩnh vực, dù có phối hợp với nhau. Việc thành lập Bộ Biển thì cần nghiên cứu tiếp, để nhiệm kỳ sau xem xét” - Thủ tướng nói.
 
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đặt vấn đề, kinh tế đã qua giai đoạn nghỉ ngơi, bước vào thời kỳ phát triển nhanh và bền vững. Cả dân tộc, dù không nói ra, mọi người đều hiểu về cái giá của hòa bình. Ông Quyết dẫn lại việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua, người dân đã thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng. Ông Quyết đề nghị được nghe thông tin từ “kim khẩu” của Thủ tướng về vấn đề này một cách súc tích nhất.
 
Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu mối lo ngại về vấn đề Biển Đông

Thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu mối lo ngại về vấn đề Biển Đông

Đáp lại chất vấn về chủ trương của Đảng, nhà nước với Trung Quốc sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Thủ tướng nói rõ, với Trung Quốc hay tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán. Đó là độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ…
 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc.
 
Trên cơ sở quán triệt đường lối này, đối với Trung Quốc hay nước nào, Việt Nam cũng phải hành động nhất quán như vậy.

"Với Trung Quốc, dù mưa nắng hay bão lũ, Việt Nam cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng, nên Việt Nam mong muốn sự chân thành hợp tác để cùng phát triển vì hòa bình, để thực hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm "16 chữ", tinh thần "4 tốt", để mang lại lợi ích cho cả 2 bên" - Thủ tướng lưu ý, Việt Nam cũng muốn chân thành hợp tác với Trung Quốc để giải quyết mâu thuẫn về biên giới đất liền và trên biển theo nguyên tắc thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. 
 
Với yêu cầu nói khái quát về quan hệ giữa 2 nước, Thủ tướng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Việt Nam vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, không chỉ với Trung Quốc mà với các nước. Vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, lợi ích chính đáng của dân tộc. Theo Thủ tướng, 6 chữ đó vừa đơn giản vừa dễ nhớ nhất.
 
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề cập việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đó là biện pháp “không đánh mà thắng” của Trung Quốc. Đại biểu muốn biết giải pháp của Chính phủ để đối phó với tình hình này?
 
Với chất vấn của đại biểu Lê Nam, Thủ tướng nói, đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc DOC về việc giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết trên cơ sở hòa bình, không dùng vũ lực. Việc Trung Quốc bồi lấp biển mà báo chí thông tin, tại đảo Chữ Thập, việc bồi lấp lớn nhất, diện tích 49ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình, Thủ tướng khẳng định lập trường là phản đối điều này vì việc làm đó vi phạm Điều 5 DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Lập trường này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nói.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN 25 vừa qua, Thủ tướng khẳng định, ông cũng đã nhắc lại lập trường này tại nhiều nội dung làm việc khác nhau.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi, hiện vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long chỉ phát triển theo quy mô nội bộ, hạn chế tiêu thụ sản phẩm. Bà Bé muốn biết giải pháp liên kết vùng để thúc đẩy kinh tế khu vực.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, theo Thủ tướng, trong không gian, một khu vực, một vùng có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng nhau thì yêu cầu hợp tác liên kết là rất cần thiết, gần như là nhu cầu tất yếu. Chính phủ nhận thức rõ sự cần thiết liên kết để phát huy khai thác tiềm năng lợi thế của vùng, khắc phục đầu tư trùng lặp, lãng phí, liên kết để cả vùng để cùng ứng phó với những khó khăn thách thức đặt ra mà chỉ một tỉnh, một khu vực đối phó sẽ rất khó khăn.
 
Đồng bằng sông Cửu Long cần hợp tác để phát huy 3 lợi thế lớn về lúa gạo, cá tra - cá ba sa - tôm và trái cây. 3 loại sản phẩm lợi thế nhất này, theo Thủ tướng, 12 tỉnh trong khu vực, tỉnh nào cũng có. Vậy việc liên kết để hình thành chuỗi giá trị rất quan trọng để mang lợi cho người nông dân, hiệu quả tăng lên.
 
Liên kết thứ 3 trong vùng là để sử dụng bền vững nguồn nước và ứng phó hiệu quả với lũ của khu vực. Việc này không thể một tỉnh nào làm được, cần phải liên kết, hợp tác. Thêm nữa là liên kết hợp tác để khắc phục khó khăn của vùng về mặt bằng giáo dục chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất 3 mặt hàng chủ lực này chưa tốt, hạ tầng còn yếu kém.
 
Sau nữa là việc hợp tác để bảo đảm quốc phòng an ninh trong vùng.
 
Đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Thủ tướng về vấn đề Biển Đông


“Sự cần thiết hợp tác đã rõ, lĩnh vực cần hợp tác đã rõ và các tỉnh đều đồng tình với Chính phủ nhưng phương thức thực hiện thế nào, cơ chế thế nào, chính sách gì… thì rất khó khăn. Chúng tôi đã dự thảo đi dự thảo lại nhiều lần nhưng việc ban hành cũng còn lúng túng” - Thủ tướng xác nhận.
 
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho biết, hiện trong đồng bào dân tộc thiểu số rất thiếu đất canh tác trong khi các nông lâm trường quốc doanh lại sử dụng đất quá lãng phí và đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ nêu giải pháp gỡ vướng cho bà con.
 
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết cả nước còn khoảng 300.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất. Đây là điều trăn trở của Chính phủ mà khi còn làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo. Theo Thủ tướng, biện pháp đầu tiên xuất phát từ việc đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng, cần xây dựng cơ chế đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong khu vực này. Thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được từ 45% xuống còn 34% ở khu vực, phải giải quyết bằng việc sống với rừng, phải giao rừng cho bà con.
 
Đề án này khi đặt ra thảo luận, Thủ tướng thông tin, khó nhất là câu hỏi tiền đâu, nguồn lực lấy từ đâu. Tinh thần là Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này rất quan trọng cần thiết, đã thảo luận nhiều để tìm giải pháp làm sao cho 300.000 hộ này có đất hoặc ngành nghề sản xuất để thoát nghèo.
 
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Thủ tướng làm rõ vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc này nhưng ông Nam cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì kết quả hạn chế, kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế. "Chính phủ có chủ trương gì về việc này?"- ông Nam đặt câu hỏi.
 
Với câu hỏi này, Thủ tướng nói rõ quan điểm, không có ngân sách và không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy tình hình khó khăn nhưng cũng sẽ có cách để giải quyết để đến hết 2015 đưa nợ xấu về mức 3% - mức bình thường đối với các tổ chức tín dụng. Thủ tướng giải thích, Quốc hội đã "bấm nút" về ngân sách, không còn khoản nào để chi cho nội dugn này.
 
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nói về những tồn tại bất cập trong nền kinh tế như hạ tầng giao thông, cơ chế khuyến khích khoa học công nghệ... bộc lộ trong 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ vừa qua. Đại biểu muốn Thủ tướng trình bày giải pháp đột phá Chính phủ sẽ chọn để giải quyết bất cập.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp đưa đất nước thành nước công nghiệp hiện đại, Thủ tướng nhắc lại 3 đột phá chiến lược. Đầu tiên là hoàn thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – cơ chế để thu hút nguồn lực. Sau nữa là nhân tố về con người. Nhắc lại vấn đề năng suất lao động còn thấp do yếu tố con người, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Trung ương cũng đã họp và có Nghị quyết về nội dung này. Khâu đột phá thứ 3 là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng

“Tóm lại, không có cách nào khác là quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết đại hội 11 của Đảng, triển khai 3 đột phá chiến lược thì sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu này nhưng việc đó đòi hỏi nỗ lực lớn” - Thủ tướng đáp.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề cập chuyện “hai lúa” làm tàu bay, tàu ngầm và đặt câu hỏi, có cách nào tận dụng tối đa nguồn nhân lực này, không để chảy máu chất xám? Nghịch lý là tiền đầu tư cho KH-CN chi không hết mà việc người dân làm tàu ngầm, như Bộ trưởng KH-CN nói, muốn chi hỗ trợ mà không chi được. Đại biểu yêu cầu Thủ tướng trình bày giải pháp giải quyết vấn đề này.
 
Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đề cập đến vấn đề chống biến đổi khí hậu gắn với việc xây dựng hệ thống đê biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu muốn Thủ tướng trả lời bao giờ dự án này được triển khai, trách nhiệm của Thủ tướng về vấn đề này?
 
Quang cảnh buổi trả lời chất vấn của Thủ tướng
Quang cảnh buổi trả lời chất vấn của Thủ tướng.

Tuy nhiên, khi đồng hồ chạy sang mốc 16h50', Chủ tịch Quốc hội nhắc Thủ tướng đã hết thời lượng dành cho phiên chất vấn của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng hứa tiếp tục trả lời các câu hỏi còn lại bằng văn bản, đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông. 

P. Thảo