20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ:

"Quan hệ Việt - Mỹ không phải sự đột phá mà là chín muồi dần"

(Dân trí) - "Nhiều người bảo sẽ có cái gì đó đột phá nhưng tôi thì dùng hình ảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chín muồi dần. Tôi không tin chắc đột phá là có lợi nhất cho Việt Nam, mà điều cần thiết là sự vững chãi, rõ hướng, rõ nét" - bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận định.

LTS: Bà Tôn Nữ Thị Ninh là một nhà ngoại giao tài ba, từng giữ chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu. Trong suốt quá trình hoạt động ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã có dịp thường xuyên tiếp xúc làm việc với các tổ chức và cá nhân tại Hoa Kỳ và đặc biệt quãng thời gian giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bà là người chuyên trách các vấn đề quan hệ ngoại giao nghị viện với Hoa Kỳ. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, bà đã có những lời chia sẻ với Dân trí về tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ cũng như tương lai của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Hoa Kỳ đóng vai trò như thế nào trong tiến trình Việt Nam tham gia đàm phán ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Kinh tế Hoa Kỳ có những khó khăn đặc thù, đó là chịu sức ép rất mạnh từ các ngành nghề. Tôi qua Hoa Kỳ vào thời mà mình đàm phán để được quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Tôi nhớ là tôi có gặp vài thượng nghị sĩ ở Nam Carolina, nơi có công nghiệp dệt may truyền thống. Các nghị sĩ cho biết, họ rất sợ khi cạnh tranh hàng dệt may với Việt Nam cũng như Trung Quốc... Vì thế, họ muốn áp đặt một cơ chế giám sát hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Bài 2: Đối tác toàn diện nhưng chưa hẳn sẽ thuận lợi hoàn toàn!

Trong đời sống nghị trường Hoa Kỳ, các nghị sĩ “so kè” các quyền lợi kinh tế, kiểm tra thường xuyên và lên tiếng bảo vệ với tinh thần bảo hộ chứ không phải tinh thần tự do thương mại nên ta phải kiên trì đàm phán để họ cho ta quy chế PNTR. Cho nên, dù có gia nhập WTO đi nữa nhưng chưa có quy chế PNTR thì chưa có giá trị đối với hàng hóa Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, có mặt thuận lợi là phía Hoa Kỳ cũng có nhu cầu về xuất khẩu. Chính vì nhu cầu đó nên họ rất muốn thuận lợi hóa quan hệ thương mại với Việt Nam. Tôi lấy ví dụ thịt bò ở bang Montana, vang California… của Hoa Kỳ rất muốn vào thị trường Việt Nam.

Bà nhận định như thế nào khi có ý kiến cho rằng, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ rất xán lạn khi TPP sẽ được ký kết và trường đại học Fulbright Việt Nam đi vào hoạt động?

Nhiều người có vẻ gửi gắm kỳ vọng vào hiệp định TPP. Tôi cũng nghe ngóng nhiều trong xã hội và bạn bè quốc tế thì nó không đơn giản. Dấu ấn của Hoa Kỳ trong hiệp ước này rất mạnh. Hoa Kỳ ở đây là các tập đoàn lớn, đứng ở hậu trường thúc ép chính quyền Hoa Kỳ.

Các tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới, trong đó có vài tập đoàn của Hoa Kỳ luôn coi trọng vấn đề sở hữu trí tuệ, cái này chưa chắc có lợi cho các nước nhỏ. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải cân nhắc thật kỹ lập trường của mình về sở hữu trí tuệ, phải tham khảo những nước như Ấn Độ, Brazil… Họ là những nước sống gần gũi thế giới phương Tây khá nhiều nhưng về sở hữu trí tuệ, họ vẫn cẩn trọng, dè dặt.

Luật chơi này thiên về các nước lớn, các nước phát triển của phương Tây. Tôi không rõ phía ta trong đàm phán đã nghiên cứu các hệ lụy đó đến đâu, kinh tế Việt Nam có chịu nổi không? Nếu nói rằng TPP là chìa khóa vàng mang lại hiệu ứng kinh tế thương mại cho Việt Nam thì tôi nghĩ cần phải có thời gian nhìn nhận tường tận hơn.

Còn dự án Đại học Fulbright Hoa Kỳ thì tôi nghĩ đó là một tin tốt lành. Tuy nhiên, cũng như xe máy của Ý đưa vào Việt Nam thì phải “nhiệt đới hóa”, đại học theo kiểu Hoa Kỳ cũng phải “Việt Nam hóa” ở một số nội dung. Đừng hiểu “Việt Nam hóa” là hạ thấp tiêu chuẩn, mà là đưa thực tế Việt Nam vào chứ không thể bê nguyên xi chương trình, cách dạy ở Hoa Kỳ về.

Để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông, Việt Nam và Hoa Kỳ rất coi trọng hợp tác về an ninh quốc phòng với trọng tâm là xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Theo bà, Hoa Kỳ cần cụ thể hóa các hành động nào để cộng đồng quốc tế thấy sự xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương, và là đối tác tin cậy của các nước trong khu vực?

Những năm 1990, các nước lớn như Hoa Kỳ ít coi trọng chủ nghĩa đa phương. Chủ nghĩa đa phương có nghĩa là coi trọng quan hệ với tất cả các nước lớn nhỏ và tôn trọng luật chơi chung. Nhưng trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực hiện nay, các nước lớn nói chung, trong đó có Hoa Kỳ đã coi trọng và tôn trọng chủ nghĩa đa phương hơn trước. Về vấn đề Biển Đông thì ta thấy rất rõ, Hoa Kỳ ít khi nhắc đến luật pháp quốc tế nhưng hiện nay Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tại diễn đàn Shangri – La nói về vấn đề này rất nhiều.

Như vậy là gì? Giai đoạn này, họ sẽ dựa vào luật pháp quốc tế và nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương để tìm cơ chế, thỏa thuận cho phép chung sống ổn thỏa trên vùng biển và vùng bầu trời tương ứng với vùng biển quốc tế.

Một ý khác rất quan trọng và cơ bản là khi cộng đồng quốc tế chưa công nhận tuyên bố chủ quyền của một bên nào đó với một diện tích nào đó thì khu vực đó phải đảm bảo quyền tự do đi lại về hàng hải và trên bầu trời tương ứng. Tôi nghĩ chính Việt Nam mình cũng phải hiểu nguyên tắc này. Nếu cả thế giới đều công nhận chủ quyền của Việt Nam thì sẽ khác. Nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ luôn luôn nói rõ là về vấn đề chủ quyền thì Hoa Kỳ không đứng về phía nào cả.

Khi ta tự xác định nhưng cộng đồng quốc tế, luật pháp quốc tế chưa công nhận thì trách nhiệm của mỗi bên là không làm gì để thay đổi hiện trạng và làm căng thẳng, phức tạp tình hình. Tôi nghĩ, chúng ta phải hiểu điều đó là áp dụng cho tất cả các bên. Việt Nam cũng phải tỉnh táo, giữ tâm thế để khẳng định chủ quyền của mình.


Hiện trong mối quan hệ Việt – Mỹ vẫn còn một số “nút thắt” cần thảo luận, tháo gỡ như vấn đề nhân quyền, hậu quả chất độc màu da cam… Mới đây, Chính phủ Hoa Kỳ nới lỏng và cuối cùng hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Từ động thái này, bà nhận xét như thế nào về triển vọng tháo gỡ các “rào cản” trên?

Nhiều người bảo sẽ có cái gì đó đột phá nhưng tôi thì dùng hình ảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chín muồi dần. Một mẫu số chung, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quan hệ đối ngoại của Việt Nam là nguyên tắc cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Chính vì vậy, tôi nghĩ cũng khó có cái gọi là đột phá. Tôi không tin chắc đột phá là có lợi nhất cho Việt Nam, mà điều cần thiết là sự vững chãi, rõ hướng, rõ nét.

Tôi từng theo dõi về vấn đề nhân quyền, hậu quả chất độc màu da cam… Tôi thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhiều lúc cũng khó khăn nhưng vẫn tháo gỡ được. Ngày nay, vấn đề chất độc màu da cam so với thời của tôi đương chức cũng đã có nhiều tiến bộ.

Mới đây, phát biểu tại Hội thảo quốc tế chủ đề “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nói: “20 năm đầu tiên mới chỉ là phần mở đầu của một mối quan hệ lâu dài hơn, phong phú hơn trong tương lai”. Vậy theo bà, để mối quan hệ dài lâu, phát triển hơn nữa trong tương lai, cả 2 bên cần có những hành động thiết thực nào hơn so với 20 năm đã qua?

Tôi thấy rõ ràng Đại sứ Hoa Kỳ là người đang hướng về tương lai, rất tích cực vun đắp cho mối quan hệ song phương này. Tôi nghĩ với kinh nghiệm thành công của những năm qua, Hoa Kỳ và Việt Nam nên tiếp tục hướng về tương lai với cách nhìn xây dựng quan hệ từng bước, vững chãi…

Đừng bị động đón nhận các cơ hội, phải có cái nhìn trung và dài hạn cho những bước đi. Nếu mình có cái nhìn trung và dài hạn thì khi cơ hội đến, mình chắc chắn đánh giá đó là cơ hội chứ không phải cái gì đến, đề nghị nào cũng là cơ hội. Có những đề nghị trên thực tế không phải là cơ hội, cho nên cần có khả năng phân biệt.

Nếu dựa trên tinh thần tôn trọng, tin cậy lẫn nhau thì tôi tin rằng Việt Nam và Hoa kỳ sẽ có một mối quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài.


Là người làm công tác ngoại giao nhiều năm, tham gia nhiều cuộc đàm phán, ký kết hợp tác quốc tế, chắc có lẽ trong dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong tâm bà cũng có nhiều cảm xúc?

Trong quan hệ với Hoa Kỳ phải thẳng thắn nói về những gì họ làm không hay, không tốt, họ có quá khứ chiến tranh với Việt Nam.

Nhiều người thấy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đang tốt lên nên không muốn nhắc đến chuyện chiến tranh trước kia. Thậm chí ở Hoa Kỳ, có những bên đang "viết lại" lịch sử với lập luận rằng việc Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam là đúng. Nói với Hoa Kỳ hay với ai tôi cũng khẳng định chân lý “bất di bất dịch” là việc Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam là một sai lầm lớn.

Tuy nhiên, quá khứ là quá khứ. Còn giờ phải xây dựng hiện tại, tương lai tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Công Quang - Quang Tùng
Video, hình ảnh: Phạm Nguyễn
(congquang@dantri.com.vn)