1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Quái chiêu ăn mày đất Cảng

(Dân trí) - Cùng đường mới phải tính chuyện đi ăn mày. Có điều, ở thành phố Cảng, “giới cùng đường” lúc nào cũng tấp nập, xôm tụ, đông vui, là nỗi kinh hoàng không chỉ của người dân địa phương mà của cả những du khách chỉ mới ghé thăm thành phố vài giờ…

“Có cho tiền không thì bảo?”

 

Các bà các chị đi chợ Lương Văn Can vẫn thường xuyên phải chạm mặt với một nhóm thanh niên bộ dạng dặt dẹo, quần áo bẩn thỉu, chân tay lở loét. Nhóm người này lê lết ăn mày khắp chợ, thay phiên nhau “tung hoành” bất kể giờ giấc. Họ mà đã “nhắm” ai thì người đó khó mà thoát được.

 

Một chị tên Mai sống ở TP Hải Phòng kể, cách đây ít hôm trong lúc đang loay hoay mua đồ ăn thì chị bị một gã “cô hồn” sán đến trước mặt, lúc lắc chìa khoá xe của chị, cất giọng: “Cháu bị nghiện, mắc AIDS, cô cho cháu xin ít tiền tiêu”. Ngại không muốn đôi co với những kẻ chẳng còn gì để mất, chị rút tờ 1.000 đồng ra. “Xe xịn mà có thế này thôi á, bà bảo tôi húp cháo mà sống hả?”, tên ăn mày hất hàm, tay lăm lăm viên gạch. Mồ hôi chị túa ra, đành rút tờ bạc 10 nghìn ra “nộp”.

 

Một nạn nhân khác ấm ức: “Hôm đó đang ngồi ở uống cà phê với bạn gái trên phố Đinh Tiên Hoàng, thấy một đứa trẻ chừng 13, 14 tuổi ăn mặc nhem nhuốc nì nèo xin được đánh giày. Từ chối mãi nó vẫn đứng lì ra đó, cực chẳng đã phải tuột giày ra. Mình đã cẩn thận dặn là chỉ đánh giày thôi. Thế mà vài phút sau, nó trả mình đôi giày nói tỉnh queo: “Giày chú cháu đánh xong rồi, cháu vừa phải thay cho chú lót gót, phải dán cả đế giày. Chú cho xin 20 nghìn”. Thấy tôi dùng dằng không cho, hai đứa liền đứng dậy la lối, chửi bới om sòm. Đau thật”.

 

Lẽ thường, dân cái bang là những người túng quẫn, không còn khả năng lao động, người già trẻ em không nơi nương tựa, đường cùng mới phải lang thang đầu đường xó chợ, sống nhờ lòng từ thiện của người khác. Nhưng cái bang ở Hải Phòng lại thường cố tỏ ra đường cùng, mang bệnh tật của mình ra làm vũ khí để “cướp” tiền của người khác. Ai không cho thì đám này sẵn sàng dùng thủ đoạn doạ nạt, đeo bám, hạ nhục, bôi nhọ nhân phẩm họ ngay chốn đông người.

 

Kinh doanh tình thương

 

Sáng 28/2, một nhóm “mẹ bồng con” ăn mặc nhếch nhác, bẩn thỉu đổ bộ xuống đường Đà Nẵng - con đường từ lâu được coi là “chốn thiên đường” của cánh cái bang bởi tập trung tới 3 chợ thực phẩm lớn nhất nhì thành phố cùng hằng hà sa số quán ăn, giải khát đông nghịt khách.

 

Nhóm mẹ con lếch thếch tụ tập quanh một hàng ăn. Người mẹ chồm hẳn người về phía thực khách: “Cháu nó bệnh tim bẩm sinh, nhà chả còn gì cả. Ông bà thương xót…”. Nhiều người động lòng cho chị ít tiền.

 

Người phụ nữ vừa đi khỏi, một gã thanh niên ăn mặc rách rưới xô tới, đưa hẳn bàn tay lở loét, đầy mủ máu ra trước bát thức ăn của khách. Chủ quán méo mặt cho biết, họ mà không xì tiền ra “nuôi” mấy “ông” này thì có ngày mất hết khách.

 

Một sinh viên trường Đại học Hàng hải kể lại: “Cách đây ít hôm, em và bạn trai đang ăn bánh mỳ cay trên phố Trần Bình Trọng thì gặp một cái bang “tuổi trẻ tài cao” quỳ mọp trước mặt nói như hét: “Em lạy anh chị cho em xin mấy nghìn mua bánh mỳ cho đỡ đói”. Sau khi được em cho 1.000 đồng, cậu này tiếp tục diễn trò “khổ nhục kế” đó với vài người nữa rồi mới đi. Mấy hôm sau, đang uống cà phê ở Minh Khai em lại gặp lại gã. Vẫn với trò đó, em cho 500 đồng, gã than: “Anh chị ơi 500 đồng không đủ mua cái bánh mỳ, cho thêm nữa đi”.

 

Với những người ăn mày như vậy, phần lớn người dân vẫn cho tiền không phải vì lòng trắc ẩn mà vì không chịu nổi những trò “khủng bố” đáng sợ của những kẻ cùng đường.

 

Phúc Hưng