1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Qua Lào “săn” mai Tết

(Dân trí) - Để có những cành mai đẹp bán ngày Tết, những thợ “săn” mai phải băng rừng sang các bản làng heo hút của nước bạn Lào. Số tiền kiếm được tỷ lệ thuận với mồ hôi và những rủi ro khó lường...

Vượt dòng Sê Pôn tìm mai

 

Cứ vào những ngày giáp tết, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở Hướng Hoá (Quảng Trị) lại chuẩn bị dụng cụ bước vào mùa săn mai tết. Từ các ngả đường, người dân “cơm đùm cơm nắm” đổ về bản Ka Tup chuẩn bị vượt sông.

 

Anh Hồ Pa Ling một tay thợ “săn” mai có tiếng ở vùng biên Lao Bảo cho biết: Cứ vào mùa này, nhờ vào các mối “quan hệ”, cư dân sống sát biên giới các huyện SêPôn, Mường Noòng (Lào) sẽ “tư vấn” cho Pa Ling biết địa điểm nào có nhiều mai rừng đẹp. Chính những người dân Lào này sẽ trở thành người dẫn đường cho nhóm thợ của Pa Ling trong hành trình đi tìm mai rừng với thù lao 30-50 nghìn Kíp (tiền Lào, có giá khoảng 60-100 nghìn đồng tiền Việt)/người.
 
Qua Lào “săn” mai Tết - 1

Những cành mai rừng cho tiền tiêu tết nhưng cũng có thể lấy đi tính mạng của những người tìm mai.
 

Đội quân “săn” mai của Pa Ling có hơn chục người, họ chủ yếu là người Pa Cô bản Ka Tup (thị trấn Lao Bảo). Cơm nước xong xuôi, xách bao tải lên vai, Pa Ling vội cùng đoàn lao xuống dòng Sê Pôn khi bầu trời vùng biên ải còn ngậm sương.

 

Pa Ling cho hay: “Mùa này mà vượt sông thì không có gì đáng ngại. Làm cái nghề ni phải có sức, sức phải bền mới “ăn rừng ngủ rú” với mai được. Mỗi chuyến đi của bọn này khoảng 3-4 ngày mới trở về. Nếu vào vùng mai mọc dày thì trúng đậm mỗi người cũng kiếm được vài trăm”.

 

Hành trình của nhóm thợ “săn” mai cũng lắm gian nguy. Họ xuất phát từ thị trấn Lao Bảo sau khi vượt sông Sê Pôn, đi hơn 50km để đến các bản Na coòng, La Lung (huyện Mường Noòng). Từ đây phải đi thêm một ngày đường rừng nữa mới chặt được mai. Để nghỉ lấy sức, họ ăn ở cùng dân bản ở đây, cứ mỗi nhóm thợ săn chia nhau ra về xin ở với từng hộ gia đình với giá 20-30 nghìn Kíp/ngày.

 

Chặt mai đã khó, luồn rừng mang những cành mai trở ra mà không làm rụng bông, lá còn gian nan hơn nhiều. Kinh nghiệm nhiều năm của các nhóm “thợ săn” đã giúp họ mang về thị trấn những cành mai giá bạc trăm, có khi bạc triệu…

 

Người đi “săn” mai sau khi về đến đất Việt, muốn bán được mai “có giá” phải qua tay các “đầu nậu” chuyên mua bán mai ở thị trấn. Các “đầu nậu” mua gom của người bán giá từ 100-150 nghìn đồng/cành rồi bán lại cho khách thập phương lên chợ Thương mại sắm hàng trong dịp tết. Nhờ cách này, “đầu nậu” cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng/cành mai.

 

Anh Nguyễn An, một “đầu nậu” buôn mai, thổ lộ: “Thời gian này, mỗi ngày tui thu mua được vài chục cành mai. Đến tầm 26-27 tết, không có mai mà bán cho khách”.

 

Anh Nguyễn Văn Cần còn có hẳn một “đường dây” săn mai dịp tết mang về thành phố Đông Hà bán cho các gia đình ở miền xuôi. Cứ mỗi dịp tết cận kề, Cần bỏ tiền thuê cả một đội ngũ thợ săn, chuyên đi chặt, chọn mai tết về bán lại cho mình. Mỗi “thợ săn” đi 2-3 ngày được trả từ 200-300 nghìn tiền công.

 

Nước mắt người săn “lộc rừng”

 

Với cánh “thợ săn”, nghề chặt mai mưu sinh ngày tết cũng cho được đồng ra đồng vào, song đằng sau những chuyến đi ấy ẩn chứa bao giọt nước mắt chua chát. Chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ A Vớ ở bản Ka Tăng (TT Lao Bảo) cũng là lúc gia đình đang chuẩn bị làm bữa cơm cúng cho chồng.
 
Qua Lào “săn” mai Tết - 2

 

Năm ngoái cũng vào dịp cận tết thế này, chồng A Vớ - anh Pả Nghen - theo đám trai bản vào rừng chặt mai, định kiếm chút ít sửa lại mái nhà. Luồn rừng sâu, vượt khe suối, anh Pả Nghen bị rắn độc cắn, tử vong ngay trong ngày.

 

Nhắc lại chuyện buồn, chị A Vớ than: “Nghề ni coi vậy mà cực lắm. Kiếm được vài trăm tiêu tết mà bỏ mạng trên rừng sâu như chơi. Mai này con mình lớn lên sẽ không bao giờ cho con đi rừng chặt mai”.

 

Có những trường hợp được coi là may mắn như anh Pả Năn, anh Hồ A Riêng, bị tật nguyền suốt đời do bị ngã khi trèo đèo, lội suối hay héo mòn tấm thân sau nhiều ngày vật lộn với rừng thiêng nước độc.

 

Nghề “săn” mai tết là một nét mưu sinh mới của hàng trăm người dân vùng biên giới Hướng Hoá. Đằng sau những đồng tiền kiếm được là những giọt nước mắt đắng cay!

 

Tá Linh