1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

"'PMU 18 là trận đánh lớn nhất đời tôi"

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C14) tâm sự, chuyên án PMU 18 là vụ tiêu cực lớn nhất ông từng chỉ đạo điều tra. Nghỉ hưu khi vụ PMU 18 chưa kết thúc, tướng Quắc đã có nhiều tâm sự về việc này.

- Thiếu tướng từng tâm sự, nếu ông còn trẻ, chưa đến tuổi về hưu thì chưa chắc đã dám làm vụ PMU 18. Điều này vì nguyên cớ gì thưa ông?

- Có thể nói vụ PMU 18 là trận đánh lớn nhất trong đời tôi. Tôi có nói với các nhà báo là tôi sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi nên tôi dám đánh vụ này. Nếu tôi còn trẻ thì tôi chưa chắc đã dám vì còn phải trông trên trông dưới. Thật ra vụ án này, tôi đánh "lấn sân", vì mảng án tham nhũng không thuộc chức trách C14 làm, nhưng do các "sân" khác chưa làm được thì tôi làm.

Tôi dám làm vì tôi không có động cơ cá nhân, tôi đã có tuổi nên không phải lấy lòng ai, không sợ mất lòng ai. Trận đánh tham nhũng này rất khó khăn vì cũng có những người không ủng hộ và có lẽ ngoài tôi, chắc ít người dám đánh. Cho đến thời điểm tôi về hưu (tháng 12/2006), chuyên án PMU 18 vẫn chưa đi vào giai đoạn cuối, vụ PMU 18 vẫn chưa khép lại.

- Trong vụ PMU 18, thiếu tướng đã trực tiếp làm việc với nhiều bị can. Ông nhận xét gì về những người này?

- Tôi không trực tiếp hỏi cung cụ thể từng việc với các bị can vụ PMU 18. Tôi chỉ trực tiếp gặp 4 người: Bùi Tiến Dũng, Tôn Anh Dũng, Vũ Mạnh Tiên và Phạm Tiến Dũng để xác định tư tưởng và trách nhiệm của họ trong vấn đề khai báo. Đáng chú ý nhất là Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU 18. Người này xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố là thiếu tướng quân đội. Bản thân Dũng trước đó cũng trong quân ngũ, chuyển ngành với cấp hàm đại úy, tốt nghiệp đại học. Nhưng sau này, chuyển về làm sếp ở PMU 18 lại là mảnh đất có quá nhiều tiền bạc do cơ chế giao cho, vì thế Dũng trở thành người hư hỏng, tham nhũng, giao du ăn nhậu, chơi bời, cờ bạc, gái, tiêu không hết tiền.

Tôi đã trực tiếp gặp Bùi Tiến Dũng, động viên và yêu cầu khai ra mảng chạy án. Tôi nói với Dũng: "Sau khi bắt anh, tôi mới biết mẹ anh là người cùng quê, cùng huyện với tôi. Tôi ghi nhận chuyên này nên cũng muốn động viên anh khai báo cho tốt để được nhẹ tội". Thật ra, tôi cũng muốn dùng hình ảnh quê hương để khuyên bảo Dũng. Nhưng sau khi khai ra một số nhân vật chạy án, Dũng lại tỏ ra ngoan cố, chỉ khai những gì cơ quan điều tra nắm được, đã có bằng chứng.

Về mảng chạy án, Dũng khai chỉ đạo đàn em đưa tiền cho Nguyễn Mậu Thôn, Tôn Anh Dũng, Nguyễn Đình Toản. Chính tôi đã động viên Dũng làm đơn tố cáo một cán bộ điều tra đã nhận của Dũng chiếc ôtô và 20.000 USD (nhưng cán bộ này phủ nhận). Ngoài ra có nguồn tin cho thấy, Dũng còn hối lộ một số người khác để chạy án nhưng hiện Dũng vẫn chưa chịu khai nhận.

Sau đó phải kể đến Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế"). Tôi được biết, sau khi bị bắt, Dũng "Huế" từng tâm sự với bạn tù: "Lão Quắc đánh trận này là để lật đổ người khác và muốn lên chức". Tôi đã trực tiếp gặp anh ta trong hơn một giờ và nói thẳng: "Tôi là lão Quắc già đây. Cuối năm nay tôi về hưu. Tôi làm việc này là vì đất nước chứ chẳng tranh giành quyền chức với ai cả. Tôi biết anh trước kia có mối quan hệ rất rộng với khá nhiều người có chức, có quyền. Anh nhận xét, đánh giá thế nào về những cán bộ anh từng quan hệ như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến... Theo anh, họ tốt hay xấu, họ có thật sự vì dân vì nước hay không? Điều này anh không cần trả lời với tôi".

Tôi nói Dũng cứ việc nhận xét, đánh giá về họ và giữ lại ý nghĩ đó trong đầu. Nếu anh cho rằng họ là những con người tốt, mẫu mực không tham nhũng nhưng trong dư luận xã hội đánh giá sai về người ta, thì anh cần kiên quyết bảo vệ họ, đừng để cho người ta bị oan. Còn nếu theo quy nghĩ của anh, họ là những con người xấu mà anh cũng nhúng chàm vào đấy, thì trách nhiệm của anh là phải nói ra.

- Trong 12 năm phụ trách C14, có thể nói thiếu tướng đã tham gia hầu hết các chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tội phạm xã hội đen và "đối mặt" với nhiều tên trùm nguy hiểm. Theo ông, "gương mặt" trùm xã hội đen nào là đáng kể nhất?

- Lớn nhất, mưu mô xảo quyệt nhất vẫn là Năm Cam, sau đó phải kể tới Khánh "Trắng". Nhưng Khánh "Trắng" thì có khi còn trực tiếp nhúng tay vào việc giết người (chính vì vụ này mà Khánh phải lĩnh án tử hình). Còn Năm Cam thì luôn đứng sau điều hành mọi hoạt động của thế giới ngầm. Năm Cam từng được giới giang hồ phía Bắc đón rước như một ông vua và khi ra Hà Nội thường nghỉ tại khách sạn Las Vegas ở phố Lê Văn Hưu. Năm Cam từng có ý định thống nhất giới giang hồ cả nước vào trong một đầu mối. Tay trùm này đã rửa khá nhiều tiền thông qua việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Trước khi bị bắt, Năm Cam bắt đầu có dấu hiệu móc nối, quan hệ với giới tội phạm quốc tế qua các chuyến đi Hong Kong, Macao...

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc sinh năm 1947, quê huyện Thanh Hà, Hải Dương. Tháng 10/1994, ông làm Cục trưởng C14. Năm 1996, đơn vị này phá chuyên án Khánh "Trắng" và động bọn ở Hà Nội.

Vị tướng này cho rằng, về mặt nghiệp vụ của ngành công an, vụ án Khánh "Trắng" là mốc quan trọng đánh giá sự phát triển nguy hiểm của tội phạm hình sự ở Việt Nam. Từ chỗ hoạt động theo kiểu các ổ nhóm nhỏ lẻ đã bắt đầu liên kết với nhau thành các băng nhóm tội phạm quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ với các hoạt động bảo kê, móc nối theo kiểu xã hội đen, đâm thuê chém mướn và đòi nợ thuê.

Từ vụ án này đã có sự chuyển biến nhận thức về phương diện tội phạm học và việc tổ chức đấu tranh của lực lượng cảnh sát hình sự.

Theo Thanh Niên