1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh:

Phường 475 "cán bộ": "Không đông không được!"

(Dân trí) - Thông tin thị trấn Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) có 639 công bộc hưởng lương, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có 475 "cán bộ"... khiến dư luận bất bình. Tuy nhiên Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh khẳng định "cán bộ không đông không được".

Phường 475 cán bộ: Không đông không được!
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa qua, vấn đề "bộ máy cán bộ phình to" cũng đã được đưa ra bàn luận sôi nổi
 
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Thiết, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, về con số cán bộ hưởng lương, phụ cấp "khủng" ở các phường, thị trấn như báo chí đăng tải.

Việc một đơn vị cấp phường, xã, thị trấn có số lượng cán bộ hưởng trợ cấp từ ngân sách lên tới con số “khủng” như tại phường Hồng Hải và thị trấn Mạo Khê đã khiến dư luận sửng sốt. Vậy ông có đánh giá gì về bộ máy cán bộ công chức của cấp cơ sở hiện nay ở Quảng Ninh?

Tại kết luận 364 của Nghị quyết trung ương 7 cũng đã khẳng định đội ngũ cán bộ xã, phường hiện rất đông. Đó là thực trạng chung của cả nước, không riêng gì ở Quảng Ninh. Tôi cũng đã có những tham khảo rộng rãi trên nhiều địa phương khác, đều có chung thực trạng là việc thu gọn công tác cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp cơ sở phường, xã gặp rất nhiều khó khăn. Riêng Quảng Ninh, kết cấu dân số tại những phường, xã, thị trấn quá đông mới dẫn đến tình trạng đông cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách hưởng ngân sách nhà nước.

Lý giải của ông về con số 639 và 475 cán bộ hưởng lương, trợ cấp nhà nước tại hai địa bàn thị trấn Mạo Khê và phường Hồng Hải?

Tại thị trấn Mạo Khê có tới gần 50 nghìn dân, số dân vượt mức cấp phường xã, tương đương với một thị xã, huyện  của nhiều địa phương khác. Bây giờ bảo Mạo Khê có hơn 600 cán bộ nhưng phải xem xét là tại địa phương này có bao nhiêu dân và bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động sinh sống để có số lượng cán bộ thích ứng.

Liên hệ qua 3 huyện Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu của Quảng Ninh, số dân cộng lại của 3 địa phương này cũng chỉ tương đương với Mạo Khê và Hồng Hải. Như vậy so sánh một cấp phường, thị trấn có tới nửa vạn dân với những cấp huyện đã là một sự bất hợp lý. Mà dân đông thì buộc phải có đông cán bộ để quản lý, thực hiện các công tác xã hội phát sinh.

Vậy việc hai địa phương này có đông cán bộ như vậy có vượt quá quy định cho phép không thưa ông?

Việc bố trí cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách, tổ thôn bản, chúng tôi đều tuân theo Nghị định  92. Địa bàn lớn, dân đông, quản không hết được nếu ít nhân lực. Chưa kể ngân sách của dân đóng vào để hỗ trợ nuôi cái bộ máy này (cán bộ tổ dân phố, khu phố) cũng đúng với chủ trương chính sách của trung ương chứ không có gì sai cả.

Theo quy định thì một phường chỉ được 25 cán bộ công chức chuyên trách nhưng nếu ở Mạo Khê và Hồng Hải mà cũng chỉ có 25 cán bộ thì tỉnh Quảng Ninh làm sao để quản lý hơn 5.000 hộ dân/một đơn vị cấp cơ sở như thế?

Có nghĩa là việc tinh giản cán bộ tại các địa phương mà cụ thể là ở hai đơn vị cấp cơ sở nêu trên là vấn đề không thể ?

Bộ máy cơ sở gọn nhẹ, nhân lực tinh nhuệ và vận hành hiệu quả, tốn ít ngân sách là điều mà bất cứ vị lãnh đạo nào cũng muốn; tuy nhiên phải tùy thực tế cụ thể của từng địa phương mà có quyết sách phù hợp.

Cụ thể hiện nay cứ từ 80 đến 100 hộ dân phải thành lập một đơn vị tổ dân phố. Nhưng nếu cắt giảm vai trò tổ trưởng, bí thư đi thì ai sẽ lo hoạt động xã hội, quản lý của cấp cơ sở. Hiện mỗi khu phố chúng tôi đang khoán phụ cấp 25 triệu/năm/thôn/khu phố. Chia ra mỗi tháng trợ cấp cho một cán bộ phụ trách là 230 nghìn/tháng. Đây là mức thấp cho tổ trưởng tổ, bí thư chi bộ tổ dân phố để họ đảm nhận công việc. Rõ ràng như thế là đông nhưng thẳng thắn ra thì không đông không được.

Vậy trước chủ trương tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, làm gọn bộ máy cơ sở, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy trách nhiệm như thế nào?

Dân số đông buộc phải có nhiều tổ, khu dân cư để quản lý phù hợp. Tuy nhiên chúng tôi có quan điểm là phải làm gọn hết sức có thể bộ máy cấp cơ sở dựa trên tình thần khảo sát, đánh giá chặt chẽ để có chính sách phù hợp với địa phương cụ thể. Biện pháp cơ bản là tỉnh sẽ phải khoán tiền chi lương, trợ cấp để địa phương tự cân đối và thanh lọc các bộ phận không cần thiết.

Theo tinh thần chỉ đạo của trưng ương chúng tôi buộc phải thực hiện khoán. Cụ thể là sẽ rút số tiền chi ngân sách trả lương cán bộ cấp cơ sở xuống còn một nửa so với lâu nay để tùy địa phương người ta xử lý, cân đối và có biện pháp. Bên cạnh đó không giao, cấp chi tiêu biên chế nữa.

Vậy sắp tới tỉnh có kế hoạch cho cán bộ nghỉ việc để thực hiện chủ trương tinh giản cán bộ không?

Bây giờ bảo cho ai nghỉ ai làm là cả một vấn đề khó khăn không riêng gì của Quảng Ninh. Đuổi việc, cho nghỉ một người đâu phải chuyện dễ.

Tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ để đánh giá lại để có biện pháp riêng biệt từng địa phương cụ thể. Trong các đơn vị công lập chúng tôi đã có những triển khai rất mạnh mẽ, về ngân sách chúng tôi đã giảm rất nhiều chứ không giảm biên chế. Công tác cân đối thu chi được ưu tiên thực hiện và phải duy trì sự phát triển của đơn vị. Dùng quy luật loại trừ để chọn lại những cán bộ có năng lực, hiệu quả.

Còn bây giờ nếu mạnh tay cắt hẳn cấp cơ sở ở khu dân cư, tổ dân phố thì sẽ dẫn đến "vỡ trận". Đây là một vấn đề nan giải, tế nhị và khó thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng