1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nam Định:

Phục dựng nghi lễ “rước nước, tế cá” tại lễ hội đền Trần

(Dân trí) - Sáng nay 11/2 (nhằm ngày 12 tháng giêng), tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã cho phục dựng lại nghi lễ “rước nước, tế cá”.

Điểm mới của lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay là việc khôi phục lại nghi lễ “rước nước, tế cá” truyền thống vốn đã mai một từ lâu. Đây là năm đầu tiên nghi lễ này được phục dựng và trở thành một trong những nội dung chính của lễ hội. Nghi lễ “rước nước, tế cá” có ý nghĩa tri ấn tổ tiên nhà Trần, một Vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.

 Các cụ cao niên lấy nước từ Giếng Rồng.
 Các cụ cao niên lấy nước từ Giếng Rồng.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, mặc dù còn gần 3 ngày nữa đền Trần mới chính thức khai ấn (đêm 14 rạng sáng 15 tháng giêng), nhưng ngay từ ngày 12, du khách thập phương và người dân địa phương đã tập trung rất đông xem phục dựng nghi lễ “rước nước, tế cá”.

Cách đây hơn 100 năm, trong lễ hội đền Thượng (đền Thiên Trường) bao giờ cũng có nghi thức “rước nước, tế cá”. Hội rước nước được tổ chức rất chu đáo vào ngày 15 tháng giêng. Người được cầm bình đi lấy nước thay mặt dân làng đưa bình ra kiệu rồi phủ một tấm vải đỏ thắm lên trên. Người này được dân làng chọn từ trước và phải là người khỏe mạnh, có đạo đức, con cháu đầy đủ, trong năm gia đình không có chuyện buồn.

Theo nghi lễ “rước nước, tế cá” được khôi phục tại đền Trần năm 2014, đoàn “rước nước” gồm có cờ, biểu đi trước; chiêng trống, đội bát âm, kiệu thánh với đoàn tế và dân làng đi theo sau. Các loại cá dâng lễ gồm: 5 cá triều đẩu (cá quả), 5 cá long ngư (cá chép), trọng lượng từ 1 đến 1,5 kg. Ao đánh bắt cá phải được phát quang, tẩy uế trước khi diễn ra lễ hội khoảng 20 ngày.

 Bắt cá dưới ao đã được phát quang, tẩy uế.
 Bắt cá dưới ao đã được phát quang, tẩy uế.

 Đội múa rồng tại lễ “rước nước, tế cá”.
 Đội múa rồng tại lễ “rước nước, tế cá”.

Sau khi làm nghi lễ tại đền Thiên Trường, đoàn rước sẽ tiến thẳng lên ngã ba sông Hồng ở đoạn Hữu Bị (cách đền Trần khoảng 3 km). Tại bến sông, Ban tổ chức đã bố trí các thuyền được trang trí cờ hoa, sau đó đoàn rước sẽ lên thuyền và ra giữa sông để phóng sinh.

Trao đổi với Dân trí ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử khu văn hóa Đền Trần cho biết: “Hiện tại công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Chúng tôi đã liên hệ với Sở Thương binh - Xã hội tỉnh Nam Định mời những người hành khất về Trung tâm Bảo trợ tỉnh để nuôi ăn ở trong những ngày diễn ra lễ hội”.

Đưa cá vào kiệu rước về đền Thiên Trường.
Đưa cá vào kiệu rước về đền Thiên Trường.

 Làm lễ “rước nước, tế cá” tại đền Thiên Trường.
 Làm lễ “rước nước, tế cá” tại đền Thiên Trường.
 Làm lễ “rước nước, tế cá” tại đền Thiên Trường.


Thanh Thủy - Duy Tuyên