1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phú Yên, Khánh Hoà ngập trong lũ dữ

Mưa như trút ở thượng nguồn, nước lũ bao vây tứ phía, nhấn chìm hết đồng ruộng, ao đìa và tràn vào giữa trung tâm thành phố. Tính đến cuối ngày hôm qua, đã có 22 người thiệt mạng. Mực nước của tất cả các con sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà đều vượt báo động III.

Riêng sông Cái (Khánh Hoà) và sông Đà Rằng (Phú Yên) xấp xỉ gần bằng đỉnh lũ lịch sử.

 

Chúng tôi có mặt ở vùng rốn lũ Tuy An, tỉnh Phú Yên lúc 14 giờ chiều ngày 15/12, thôn Ngân Sơn (thị trấn Chí Thạnh) nằm cạnh con sông Cái hoàn toàn ngập chìm trong biển nước mênh mông. Hàng chục người hì hục khiêng, vác hàng hoá, lương thực đi sơ tán. Con đường từ thôn Ngân Sơn chạy qua cầu Lò Gốm đến các xã ven biển An Ninh Đông, An Ninh Tây... đã bị chia cắt hoàn toàn.

 

Anh Trần Sáu - cán bộ phụ trách phòng chống bão lụt (PCLB) huyện Tuy An cho biết: Vùng mép biển, triều cường đã xâm thực, ăn sâu vào thôn An Vũ, xã An Ninh Đông. Chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng 348 phải huy động bà con dùng cọc, bao cát làm kè chắn sóng, đồng thời di dời được 10 hộ nằm ngay chân sóng thôn An Vũ đến nơi an toàn.

 

Cũng ở các vùng ven biển này, nhiều chiếc tàu thuyền đã bị chìm, hư hỏng. Anh Nguyễn Văn Nhàn, 25 tuổi ở xóm Cát, An Hải đang trông nom, tát nước chiếc ghe thì bị sóng đánh bật xuống biển, đến chiều ngày 15/12 vẫn chưa tìm thấy xác.

 

Cũng trên địa bàn huyện Tuy An, tối ngày 14 rạng sáng ngày 15/12, tại km1295+150 trên tuyến QL1A thuộc địa phận xã An Dân đã bị sụp toàn bộ bề ngang mặt nền đường và dài 75 mét, điểm lún sâu nhất lên tới hơn 2m. Giao thông hoàn toàn bị ách tắc. Hàng ngàn xe lưu thông phải nằm đợi ở hai đầu.

 

Đến cuối ngày 15/12, theo Văn phòng đại diện miền Trung - Cục Phòng, chống lụt bão và bảo vệ đê điều (Bộ NNPTNT) tại Đà Nẵng, toàn khu vực đã có 22 người chết. Trong đó, tại tỉnh Khánh Hoà 9 người, Phú Yên 6 người, Bình Định 7 người, Quảng Ngãi 3 người.

Theo Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên, đến ngày 15/12, toàn tỉnh đã có hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước, 17 nhà bị xiêu vẹo, sập hư hỏng nặng. Hơn 1.000 học sinh ở các vùng lũ phải tạm nghỉ học.

 

Về sản xuất nông nghiệp, lúa đông xuân vừa xuống giống bị ngập phải gieo sạ lại hơn 2.100 ha, ngoài ra còn có 185 ha lúa mùa đang trong giai đoạn trỗ và 60 ha hoa màu cũng bị ngập chìm trong nước. 669 con nghé bị chết do lạnh rét và chuồng trại không bảo đảm, 580ha hồ tôm bị sạt lở, 50.000 con tôm hùm giống bị chết và 2 thuyền đánh cá bị chìm.

 

Tại Khánh Hoà, vùng hạ lưu sông Cái ngập sâu trong nước. Trung tâm thành phố Nha Trang như là ốc đảo vì nước sông tràn vào tận bến xe liên tỉnh.

 

Trưởng ban chỉ huy PCLB huyện Khánh Vĩnh cho hay: "Tất cả các tuyến giao thông chính đều bị ngập sâu từ 1-2m, nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng, mố cầu treo qua xã Cầu Bà đã bị lũ cuốn trôi, địa bàn hoàn toàn bị chia cắt. Nương rẫy bị cào bằng, sau lũ chắc chắn đồng bào các dân tộc không còn gì để ăn".

 

Suốt đêm 14 và sáng 15/12, gần 300 hộ dân ở thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông (TX.Cam Ranh) luôn nơm nớp lo sợ nước dâng cao bất thường, chiều 15/12 chính quyền địa phương phải tính toán kế hoạch di dời.

 

Hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh vô cùng khốn đốn. Nước biển đục ngầu và bị ngọt hoá đã làm tôm hùm chết hàng loạt. Tiếc của, một số người chèo thuyền ra biển tìm cách di dời lồng tôm, nhưng không thoát khỏi "bàn tay" thuỷ thần hung dữ.

 

Anh Mai Văn Quảng, anh Nguyễn Văn Thiết mới bị chết lúc chiều tối hôm qua tại xã Vạn Lương, vì lật thuyền trong lúc vớt tôm. Thương tâm nhất là trường hợp cụ bà Văn Thị Thiện ( 73 tuổi) ở xã Ninh Hà, huyện Ninh Hoà, chiều tối 14/12 nhà sập đè lên người, bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu nhưng tuổi già, sức yếu nên chỉ  đến sáng hôm sau thì tắt thở.

 

Tính đến cuối giờ chiều ngày 15/12 tỉnh Khánh Hoà đã có hơn 2.000 ha lúa bị ngập chìm trong nước lũ, khoảng 150 ha ao đìa nuôi tôm bị cào bằng, 5 chiếc thuyền bị chìm và mất tích. Chưa thể thống kê được thiệt hại về giao thông, thuỷ lợi và xây dựng cơ bản, nhưng con số mất mát do thiên tai đã lên đến hơn 30 tỉ đồng.

 

Chiều 15/12, thường trực Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Khánh Hoà đã cử 2 đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế và triển khai công tác cứu trợ, cứu nạn...Tuy nhiên, vấn đề đáng lo là công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà chưa được chú trọng. Dư luận cho rằng, có thể tránh được những cái chết tức tưởi (rất vô lý), nếu như các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo "phòng" nhiều hơn "chống".

 

Theo Lao Động