1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay khó hơn nam giới

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) bất lợi hơn nam giới DTTS trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ.

Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) bất lợi hơn nam giới DTTS trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ.

Một nghiên cứu về năng lực tài chính của phụ nữ ở 27 nước cho thấy, Việt Nam đang được xếp ở nhóm cuối bảng (thứ 25 trên 27 nước). Trong thời gian qua, nhiều nguồn vốn ưu đãi đã được giành cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN để hỗ trợ phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay khó hơn nam giới - 1

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay khó hơn nam giới (Ảnh: UN Women).

Tuy nhiên, kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, mặc dù phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ các sản phẩm truyền thống ở vùng DTTS&MN, tuy nhiên, tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn gần 5 điểm phần trăm so với tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ là 20,7%.

Giá trị khoản vay của hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ thấp hơn so với hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ; đồng thời thấp hơn đáng kể so với mức cho vay tối đa của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo UN Women, nguyên nhân của bất cập trên là: Các cơ sở/hộ sản xuất - kinh doanh - dịch vụ (SX-KD-DV) do nữ làm chủ hộ có quy mô nhỏ nên chưa có nhu cầu vay các khoản vốn lớn;

Năng lực của các nữ chủ hộ DTTS về lập hồ sơ vay vốn, phương án sản xuất -kinh doanh còn hạn chế nên chưa tiếp cận được những khoản vay với giá trị lớn;

Các cơ sở, hộ SX-KD-DV nhỏ, không có đầy đủ sổ sách, chứng từ giao dịch và báo cáo tài chính nên không đáp ứng điều kiện vay vốn không cần bảo đảm tiền vay.

Các nhóm nữ DTTS yếu thế nhất thường ít được hưởng lợi từ các thể chế tài chính vi mô do tỷ lệ thành công thấp hơn và khả năng tiếp tục duy trì các tổ nhóm tiết kiệm và tín dụng sau khi các dự án hỗ trợ kết thúc cũng thấp hơn.