TPHCM:
Phú Mỹ Hưng không bị “bủa vây” bởi tiếng ồn giao thông
(Dân trí) - Cầu Phú Mỹ đã hoàn thành và được chủ trương cho xe tải lớn nhỏ lưu thông qua cầu để thực hiện thu phí nhằm lấy lại vốn. Tuy nhiên, nhiều người dân trong khu Phú Mỹ Hưng (Q.7, TPHCM) lo ngại, điều này sẽ phá vỡ sự yên tĩnh của khu đô thị này.
Họ đưa ra lý lẽ: bỏ tiền bạc tỷ ra để mua một không gian sống trong lành, yên tĩnh mà nay lại phải đối mặt với tiếng ồn và khói bụi. Người dân nơi đây cũng cho rằng chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng khi thiết kế khu đô thị đã chưa tính đến khoảng lùi đủ xa để giảm thiểu tiếng ồn, những nhà mặt tiền vẫn rung khi có xe tải chạy qua.
Tuy nhiên, cầu Phú Mỹ đã cho phép tất cả các loại xe tải lưu thông qua cầu từ ngày 18/3/2010 nhưng đến nay, ghi nhận thực tế lượng xe lưu thông qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng chưa nhiều. Một phần vì hạ tầng kết nối chưa hoàn chỉnh, trong đó có cầu vượt từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Văn Linh hiện vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, chỉ tính riêng cảng Cát Lái, mỗi ngày đã có khoảng hơn 5.000 lượt xe tải vận chuyển hàng hóa từ cảng về các tỉnh Miền Tây. Nếu đi theo tuyến cầu Phú Mỹ qua đại lộ Nguyễn Văn Linh sẽ rút ngắn được từ 25 - 45 km. Điều đó có nghĩa áp lực lưu thông qua đô thị này sẽ tăng lên nếu như lượng xe tải chọn tuyến đường này trong thời gian tới. |
Ông Bùi Thanh Sơn, Phó TGĐ Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng cho biết, khi thiết kế đại lộ Nguyễn Văn Linh không ai nghĩ sẽ có cây cầu Phú Mỹ kết nối vào như bây giờ, cũng như chưa nghĩ đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã đầu tư ra khoảng 100 triệu USD để làm con đường Nguyễn Văn Linh, có tổng chiều dài 17,8 km, nối từ Bắc Nhà Bè đến huyện Bình Chánh, TPHCM với mặt đường rộng 120 m, gồm 14 làn xe.
Đổi lại cho khoản đầu tư này, Phú Mỹ Hưng được phép đầu tư xây dựng năm cụm đô thị dọc theo con đường. Hiện nay, công ty này mới làm xong khu A là khu trung tâm đô thị mới với khoảng 10.000 căn hộ, trên khoảng 2 triệu m2 nhà ở.
Đại diện chủ đầu tư cho rằng, dự án khu đô thị này là công trình nhóm A nên hội đồng thẩm định quốc gia duyệt đồ án quy hoạch khu Nam Sài Gòn, trong đó có đại lộ Nguyễn Văn Linh và dọc đại lộ này người ta quy hoạch 21 khu chức năng. Do đó việc thiết kế nằm trong quy chuẩn đã có sự phê duyệt của cơ quan chuyên môn, chức năng, chứ không phải muốn xây sao thì xây.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng đồng ý rằng, khi khu đô thị được kết nối hạ tầng hoàn chỉnh, lượng xe lưu thông qua đây chắc chắn sẽ tăng lên. Lúc đó các ngành chức năng phải vào cuộc để xem lại việc phân luồng cũng như đèn tín hiệu cho hợp lý.
Trao đổi về vấn đề môi trường sống của cư dân liệu có bị ảnh hưởng do lượng xe tải đổ về tuyến đường này, ông Sơn cho rằng, điều đó không ảnh hưởng gì nhiều vì đường được thiết kế 14 làn xe có quy định rõ xe tải sẽ đi tuyến đường nào, rẽ ở đâu...
“Hơn nữa, không phải hầu hết khu đô thị Phú Mỹ Hưng được thiết kế với kiểu nhà nằm ôm mặt tiền dọc theo con đường với chiều dài khoảng 18km này. Đa phần nhà mặt tiền của khu A hiện nay là văn phòng làm việc của các công ty và ngân hàng nên việc xe cộ lưu thông nhiều không ảnh hưởng đến môi trường sống, tiếng ồn gây mất giấc ngủ của người dân...”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, vấn đề là tìm điểm xung đột trong giao thông trên tuyến đường này để xử lý, điều chỉnh. Trong đó có điểm kết nối giữa cầu dẫn từ cầu Phú Mỹ vào đường Nguyễn Văn Linh và nút giao thông chắn ngang của đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 4 về cảng Hiệp Phước.
Công Quang