1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Phong tỏa đường lên núi Cấm: Hàng quán ế ẩm, xe ôm “đói” khách

(Dân trí) - Hàng năm vào thời điểm này, những hộ sống bằng nghề buôn bán xung quanh khu vực núi Cấm cùng cánh xe ôm thu nhập kém vì đã hết mùa lễ hội. Năm nay, sau sự cố đá lăn, đường lên núi Cấm bị phong toả, họ càng thất thu hơn.

Hàng quán quanh núi Cấm ế ẩm

Đến núi Cấm vào những ngày này như một điểm du lịch “bỏ hoang”. Khách du lịch lèo tèo, thưa thớt. Hai bên đường các hàng quán, bãi giữ xe đều rơi vào thảm cảnh “vườn không nhà trống”. Chị Mai Thị Hây - chủ một quán ăn dưới chân núi Cấm - buồn thiu: “Tuy không phải mùa lễ hội nhưng mấy năm trước thời gian này bán một ngày cả 100 đĩa cơm. Còn bây giờ, sau vụ lở đá vào tháng 5/2012 vốn đã ít khách, giờ cấm đường càng thê thảm hơn”.

Do sự cố đá lăn, một lần nữa đường lên nóc nhà đồng bằng lại bị phong toả

Do sự cố đá lăn, một lần nữa đường lên "nóc nhà đồng bằng" lại bị phong toả

Theo chị Mây, từ vụ tai nạn đá lăn năm ngoái, nhiều hộ kinh doanh đã phải bỏ buôn bán đi làm thuê. Nay thêm vụ này, việc làm ăn càng khó khăn hơn. Từ chân núi tới trên núi Cấm, các hàng quán đều vắng hoe, quán ăn, giải khát còn đỡ, hàng bán quà lưu niệm "tê liệt" hoàn toàn.

Các loại dịch vụ đều ế khách

Các loại dịch vụ đều ế khách

Chị Mai - một hộ kinh doanh đồ lưu niệm gần tượng Phật Di Lặc - cho biết, Năm nay quả là một năm buôn bán khó khăn. Nhất là thời gian này, du khách đã vắng, cộng với đường lên núi bị cấm nên sáng mở tiệm, chiều dọn hàng vô, may lắm cũng chỉ kiếm đủ tiền bữa cơm.

Vào mấy ngày này, hàng quán quanh núi Cấm vắng tanh

Vào mấy ngày này, hàng quán quanh núi Cấm vắng tanh

Tài xế xe ôm hết đường kiếm cơm 

Khoảng 8 giờ sáng, PV Dân trí có mặt tại cổng soát vé vào khu du lịch núi Cấm, có hơn chục thanh niên túc trực khu vực này đón khách. Khi thấy khách, các thanh niên vội nổ máy, í ới mời gọi, tranh giành chộn rộn cả khúc đường, khiến du khách không khỏi khó chịu. 

Anh Út Bé trong nhóm xe ôm tự phát phân trần: “Tụi em trong nghiệp đoàn xe ôm núi Cấm, có đồng phục, bảng tên đàng hoàng. Nhưng vì đường lên núi bị “bế quan” nên tụi em ra bên ngoài kiếm cơm. Khi ra đây chạy thì ai nhanh chân, mạnh miệng mới có khách”.

Vào mấy ngày này, hàng quán quanh núi Cấm vắng tanh

Anh Linh - chung đội xe ôm với anh Út Bé - than thở: “Núi Cấm đang mùa ế khách, gặp thêm cảnh đường bị cấm nên dân sống bằng nghề chạy xe ôm tụi tui mấy ngày qua đói meo râu luôn. Một số anh em nhà có vườn, tạm nghỉ về nhà chăm sóc vườn tược, riêng anh em tụi tui chỉ có “con ngựa sắt” này đẻ ra tiền nên dù thế nào cũng phải bám đường kiếm cơm”.

Anh Linh than, trong nghiệp đoàn đã có hơn 800 người, bây giờ tranh nhau có mấy người khách làm sao sống nổi. 
Theo ông Nguyễn Trung Thành - Đội trưởng Đội trật tự bến xe ôm - cho biết, tổng số hội viên hiện nay khoảng 900 người, trong đó có 40 hội viên là phụ nữ. Tuy nhiên thời gian này số anh em bám nghề chỉ gần một nửa. Nguyên nhân một phần là đường lên núi Cấm bị phong toả, nguyên nhân sâu xa là do núi Cấm đã hết mùa lễ hội.
 

Rút kinh nghiệm trong vụ tai nạn lở đá vào tháng 5/2012, một số mặt hàng lương thực thực phẩm tăng vọt giá sau khi đường lên núi Cấm bị phong toả, lần này, lãnh đạo huyện Tịnh Biên bố trí 2 chiếc xe tải chở hàng hoá và nông sản cho người dân lên xuống núi vào buổi sáng và chiều mỗi ngày.

Nhờ vậy, một số mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân như gạo, nước mắm, đường, xăng dầu,… đảm bảo tương đối đầy đủ cho người dân, đặc biệt chưa có hiện tượng tăng giá. 

Xe tải chở nông sản của người dân từ trên núi xuống

Xe tải chở nông sản của người dân từ trên núi xuống

Chị Thuỷ - một hộ buôn bán tạp hoá trên núi Cấm - cho biết, đa số những hộ buôn bán đã chủ động lấy hàng dự trữ. Mỗi ngày có xe chở hàng lên miễn phí nên không có lý gì phải tăng giá.

Các thương lái đến nhận hàng hoá

Các thương lái đến nhận hàng hoá

Trao đổi với PV Dân trí ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết: “Tính đến thời điểm này, vấn đề lương thực thực phẩm phục vụ cho người dân sống trên núi Cấm không có biến động gì. Tuy nhiên do nhu cầu cấp thiết cho người dân đưa một số mặt hàng nông sản xuống núi tiêu thụ nên trong vài ngày tới, sau khi đơn vị thi công khảo sát toàn tuyến, thấy đảm bảo cho người dân trong việc đi lại, huyện sẽ dành 2 giờ mở đường cho người dân lên xuống núi vào buổi sáng và chiều trong sự điều tiết của đơn vị thi công, nhằm đảm bảo tính an toàn cho người dân”.

Riêng vấn đề bệnh tật của khoảng 4.000 người dân đang sống trên núi, ông Yến cho biết đã bố trí một tổ ý tế chuyên biệt trên núi, những trường hợp bệnh nặng thì tổ y tế phối hợp với đơn vị thi công cho xe chuyển bệnh nhân xuống núi, nhằm cấp cứu kịp thời, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

 
Nguyễn Hành - Lương Thủy