Phòng khám từ thiện cho bệnh nhân AIDS
(Dân trí) - 8 giờ sáng, trong căn nhà nhỏ số 44 Trần Tú Xương, quận 3, TPHCM rộn rịp người. Bên trong phòng khám từ thiện ấy, các bệnh nhân hầu hết còn rất trẻ nhưng đều mang gương mặt mệt mỏi, thấp thoáng nỗi buồn và thân hình tiều tụy, nhằng nhịt vết xăm…
Một thanh niên còn rất trẻ vừa tới. Chị Xuyến, tham vấn viên, vồn vã hỏi: “Hôm nay T khỏe không?”. T yếu ớt trả lời: “Dạ em đang mệt lắm!”. Chị Xuyến ân cần nắm tay T dẫn vào trong, an ủi động viên. Gương mặt căng thẳng của T giãn ra, lâu lâu nở một nụ cười hiếm hoi. T chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị tại đây.
Trong phòng đợi, tiếng rì rầm nhỏ to tâm sự của các bệnh nhân trong lúc chờ tới lượt chăm sóc. Thảng thốt những câu nói bâng quơ: “Chắc còn chống chọi khoảng ba tháng. Vậy cũng đủ rồi, mình được ăn thêm một cái Tết nữa…”. “Tháng giêng năm sau là đám cưới nhỏ em. Không biết mình có sống tới ngày đó không?”. “Em đang cố sống, chăm sóc má trong những ngày còn lại. Má đã khóc vì em nhiều quá rồi…”.
Một chàng trai tên V kể anh đã có những tháng ngày lầm lỡ, lao vào con đường hút chích. Má V đã cố gắng tìm mọi cách giành giật đứa con trai ra khỏi vòng vây của ma túy nhưng đành bất lực. Bà đã khóc hết nước mắt. Đến lúc V sực tỉnh quay về thì đã quá muộn. Trong lúc V vào phòng rửa vết lở loét trên người, bà mẹ cứ lăng xăng chạy ra chạy vào, đôi mắt thâm quầng, buồn rười rười…
Trong phòng chiếu laser, kỹ thuật viên Nguyễn Huy Trần đang bận rộn như mọi ngày. Trần còn rất trẻ, đến làm việc ở đây bằng cả tấm lòng, tình yêu thương con người. Trần đang là sinh viên đại học, đến đây làm không lương. Ngoài giờ học, anh tình nguyện chăm sóc những con người bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh.
“Mình chỉ biết làm sao cho vơi bớt đau đớn cho họ thôi. Bình thường mà…”, Trần tâm sự. Anh nhất quyết không cho tôi chụp hình vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý các bệnh nhân. Đang nằm chiếu laser, một cô gái trẻ bất chợt nôn mửa. Cả Trần và chị Xuyến đều đứng cạnh động viên cô gái. Bàn tay chị Xuyến nắm chặt bàn tay cô gái. Chị buồn bã nói: “Em này yếu quá rồi!”.
Hai giường bên cạnh, hai thanh niên nằm im, trên chiếc lưng trần, những hình xăm vằn vện hiện rõ như khẳng định một quá khứ không thể xóa mờ. Chị Xuyến nói: “Họ muốn làm lại nhưng khó lắm. Quá khứ cứ đeo bám mãi…”.
Trước khi vào đây làm, chị Xuyến vốn là một giáo viên mầm non, nghỉ hưu thì vào đây làm công việc tư vấn. Chị cho biết đã làm dịu cơn đau tâm hồn cho biết bao bệnh nhân của căn bệnh thế kỷ, chán chường, muốn tìm đến cái chết. Chị thường khuyên họ rằng “cuộc sống rất đáng quý, hãy sống sao cho ý nghĩa trong những ngày còn lại…”.
Ở đây còn có bác sĩ Nguyễn Hữu Đông, mỗi tuần ba lần, bỏ cả phòng mạch riêng, chạy xe mấy chục cây số từ Gò Vấp lên để làm công việc không lương. Anh tâm sự: “Được làm việc này tôi thấy thanh thản, cuộc đời có ý nghĩa lắm…”. Ngoài khám bệnh, anh còn an ủi, động viên những bệnh nhân vì anh biết với những con người này, giờ đây tinh thần mới là điều quan trọng.
Bên phòng rửa vết thương, cô gái xinh đẹp Nguyễn Thị Trung Hòa đang nhẹ nhàng chăm sóc cho các bệnh nhân. Đa phần các bệnh nhân vào đây đều có vết thương lở loét rất khủng khiếp, bốc mùi hôi thối. Nhưng với cô gái 29 tuổi này, hình ảnh đáng sợ đó đã trở nên quen thuộc. Cô lặng lẽ và nhẫn nại với công việc của mình. Gần 30 tuổi, Hòa vẫn lẻ bóng đi về. Hỏi chuyện riêng tư, Hòa cười rạng rỡ: “Suốt ngày em ở đây, có biết gì nữa đâu anh!”.
Phòng khám từ thiện dành cho bệnh nhân AIDS do các giáo dân dòng Đa Minh (quận Gò Vấp) lập nên. Mọi hoạt động ở đây đều dựa vào đóng góp của các giáo dân nên kinh phí rất hạn hẹp. Như lời chị Xuyến: “Ngoài giờ làm ở đây, chúng tôi phải chạy vạy đi xin khắp nơi, kiếm nguồn tài trợ để duy trì phòng khám từ thiện này”.
Những thầy thuốc, tư vấn viên, hàng ngày vẫn âm thầm tận tụy sẻ chia tình yêu thương cho những người đã bị dồn đến bước đường cùng, không chút ghẻ lạnh, không khoảng cách…
Dương Cầm