Phòng chống thiên tai phải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ
(Dân trí) - Tại hội thảo "Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai" do Bộ NN&PNTT tổ chức hôm nay (16/8), tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, khoa học công nghệ không chỉ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Các tham luận tại hội thảo cùng chia sẻ những thông tin về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giới thiệu những mô hình cảnh báo, phòng chống thiên tai hiệu quả đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước như: ứng dụng công nghệ trong quản lý đê điều với các "tuyến đê kiểu mẫu"; công nghệ bãi nuôi, chống xói lở, tôn tạo bãi biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống thử nghiệm cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu vực sông với chức năng cảnh báo và nhằm di tản người dân dựa theo mức độ nguy hiểm, lượng mưa thực tế và dữ liệu về nước quan sát được từ máy đo. Cung cấp bản đồ lũ, bản đồ nguy hiểm và thông tin về dòng sông để đối phó với nguy cơ lũ quét ở khu vực miền núi…
Khẳng định sự cần thiết trong ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, các đại biểu cho rằng, ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới. Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho rằng: "3/4 diện tích đất đai ở miền núi, các giải pháp khoa học áp dụng cho toàn bộ các vùng này không thể đủ kinh phí cho nên vấn đề đầu tiên vẫn là ý thức của người dân cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và việc quản lý khu dân cư như thế nào để chủ động phòng tránh. Liên quan đến khoa học công nghệ cũng phải tìm những giải pháp để phòng tránh sạt lở hữu hiệu nhất. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn vì vậy việc áp dụng giải pháp khoa học công nghệ nào phải phù hợp về kinh phí và điều kiện của Việt Nam, điều này cũng phụ thuộc vào sự sáng tạo, nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam hiện là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến môi trường, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Với tiềm lực khoa học công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế, nhưng với nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đã góp phần giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên ta.
"Ứng phó, thích ứng với thiên tai đã trở thành nội dung thường xuyên trong quá trình tồn tại và phát triển. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp. Bất kỳ giải pháp nào cũng phải gắn với ứng dụng với khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ là giải pháp phù hợp và hợp lý nhất tại 1 thời điểm, và phải tận dụng cho được thành tựu của loài người về khoa học công nghệ" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Nguyễn Dương