Nghệ An:
Phó trưởng CA xã lập hồ sơ giả để hưởng chế độ thương binh
(Dân trí) - Cùng với việc đình chỉ hưởng chế độ chính sách như thương binh đối với ông Trần Quyết Thắng - Phó Trưởng CA xã Thanh Hà (Thanh Chương, Nghệ An), cơ quan chức năng còn yêu cầu truy thu số tiền trợ cấp của ông Thắng từ năm 2003 đến nay.
Tại buổi làm việc với đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, ông Trần Quyết Thắng cho biết, ông nhập ngũ ngày 12/6/1972. Ông bị thương vào lúc khoàng 17h ngày 18/10/1972 khi đang cùng trung đội cầu sửa mố Cầu Bùng vì bị máy bay ném bom. Sau khi bị thương, ông Thắng được sơ cứu tại Trạm xá xã Diễn Hạnh (Diễn Châu, Nghệ An) và được chuyển đến Trạm xá Giao thông đóng ở xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An). Sau điều trị 10 ngày, ông Thằng được ra viện và trở về đơn vị cũ. Đến ngày 30/6/1975 thì chuyển sang bộ đội thuộc Sư đoàn 324. Khoảng tháng 10/1977, ông Thắng xuất ngũ về địa phương.
Đồng thời, ông Trần Quyết Thắng cũng cung cấp một số nhân chứng cùng đơn vị của ông hoặc đến thăm khi đang điều trị tại Trạm xá Giao thông và 6 tờ khai của người làm chứng có chữ ký và đóng dấu xác nhận của UBND cấp xã.
Trong khi đó, trong buổi làm việc khác, ông Trần Quyết Thắng lại khẳng định: ông nhập ngũ TNXP ngày 126/1972, đơn vị C6, tổng đội 289. Đến tháng 12/1974 ông xuất ngũ về địa phương. Ngày 5/2/1975, ông Thắng đi bộ đội ở tiểu đoàn 25, Sư đoàn 316, sau đó chuyển sang tiểu đoàn 27, Sư đoàn 324. Tháng 12/1977, ông Thắng xuất ngũ trở về địa phương.
Để hợp lý hóa hồ sơ xin hưởng trợ cấp hàng tháng như thương binh, ông Thắng đã nhờ bà Lê Thị Quý (cùng xóm) viết nội dung trong “Giấy chứng nhận trường hợp bị thương”, “Tờ khai người làm chứng” mang tên Phan Thị Loan. Sau đó bà Phan Thị Loan viết tên mình và ký vào dưới 2 giấy này.
Tuy nhiên, khi xác minh tại huyện đoàn Thanh Chương cho thấy không có hồ sơ, tài liệu nào phản ánh ông Trần Quyết Thắng có tham gia TNXP. Các cán bộ UBND xã Thanh Hà cũng khẳng định khi ký xác nhận trong hồ sơ thương tật của ông Thắng, chỉ căn cứ vào bản khai cá nhân và bản khai của người làm chứng; không biết ông Thắng có đi TNXP hay không, đi thời gian nào, đơn vị nào và có bị thương hay không.
Hai người làm chứng cho ông Trần Quyết Thắng thì một người đã mất. Người còn lại là bà Tôn Thị Liên khẳng định không cùng đơn vị với ông Thắng, không trực tiếp chứng kiến ông Thắng bị thương. Giấy chứng nhận trường hợp bị thương và tờ khai người làm chứng được ông Thắng mang sẵn đến nhà nhờ bà ký hộ.
Tại Tỉnh đoàn Nghệ An và Hội Cựu TNXP Nghệ An cũng không có hồ sơ tài liệu của ông Trần Quyết Thắng.
Trên cơ sở đó, Đoàn thanh tra kết Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An kết luận nội dung tố cáo của công dân đối với ông Trần Quyết Thắng là tố cáo đúng. Hồ sơ thương tật của ông Trần Quyết Thắng được xác lập không đúng quy định vì bà Tôn Thị Liên không đủ điều kiện làm chứng cho ông Thắng.
Bên cạnh đó, các tài liệu có trong hồ sơ thương tật của ông Thắng có nội dung ghi ngày tháng năm nhập ngũ và xuất ngũ không trùng khớp nhau. Qua 2 lần giải trình của ông Thắng đối với Đoàn xác minh thì không trùng khớp với nhau về thời gian nhập ngũ, xuất ngũ và thời gian điều trị khi bị thương.
Năm 2001, ông Trần Quyết Thắng lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hưởng chính sách như thương binh thì bà Phan Thị Loan (người làm chứng thứ hai) còn sống nhưng ông Thắng không đưa cho bản thân bà Loan viết vào "Giấy chứng nhận trường hợp bị thương" và "Tờ khai người làm chứng" mà nhờ bà Lê Thị Quý viết hộ. Việc này là không hợp lệ và không đúng với quy định của Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM.
Những người làm chứng mà ông Thắng cung cấp, sau khi có đơn tố cáo đều không đi TNXP, không chứng kiến ông Thắng bị thương khi làm nhiệm vụ nên không có cơ sở để chứng minh ông Trần Quyết Thắng có đi TNXP và có bị thương.
Như vậy, ông Trần Quyết Thắng không đủ điều kiện để hưởng chế độ người hưởng chính sách như thương binh theo quy định.
Hoàng Lam