Phó Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak

(Dân trí) - Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9/5 - 12/5. Hiện Việt Nam và Ấn Độ đang là “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.

Về chính trị - ngoại giao, Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này.

Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam - Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược” (9/2007) và nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (9/2016), phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ song phương. Trong Năm Hữu nghị 2017, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.

Phó Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak - 1

Phó Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu (áo trắng, ở giữa) sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9/5 - 12/5 (ảnh: TTXVN)

Phía Ấn Độ, Tổng thống Rajendra Prasad có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam năm 1959, Thủ tướng R.Gandhi thăm Việt Nam và năm 1985 và 1988. Sau đó, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Ấn Độ tới Việt Nam được duy trì. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Covind (tháng 11/2018).

Phía Việt Nam, từ năm 1978 đến năm 2018, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có nhiều thăm Ấn Độ, trong đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ vào năm 1978 và thăm 1980, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ( tháng10/2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ - 01/2018. Chuyến thăm tới Ấn Độ gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 3/2018.

Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Hai nước đã mở rộng trong cả 3 quân binh chủng là Hải - Lục - Không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.

Hai bên đã tổ chức cơ chế Đối thoại An ninh lần thứ nhất vào tháng 7/2018. Hai nước tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố.

Về kinh tế - thương mại, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/ năm trong giai đoạn 2008-2013. Tính đến hết tháng 12/2018, kim ngạch đạt khoảng 10,68 tỷ USD. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.

Tính đến hết năm 2018, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 878,1 triệu USD, với 208 dự án đầu tư, đứng thứ 26/130 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 08 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký gần 6,16 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ.

Vấn đề Biển Đông, Ấn Độ có lập trường khá tích cực và nhất quán trong vấn đề Biển Đông; chia sẻ tầm nhìn về một trật tự tại Biển Đông dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Việt Nam và Ấn Độ cũng có nhiều hợp tác trong lĩnh vực khác, văn hóa, du lịch, phát triển đào tạo, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế…

Châu Như Quỳnh