Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Cuộc sống bảo ta nên làm gì"
Giữa phiên khai mạc Đại hội X của Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan dành cho báo giới cuộc phỏng vấn về thời cơ, thách thức của kinh tế Việt Nam.
Trong dự thảo báo cáo chính trị có nói đến đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô, nhưng trong bản báo cáo của Tổng bí thư không nhắc đến, điều này có nghĩa là gì?
Báo cáo của Tổng bí thư là báo cáo tổng hợp tất cả các văn kiện, là tóm tắt lại 4-5 báo cáo. Trong các báo cáo chi tiết đều nhắc đến điều này. Đại hội sẽ biểu quyết.
Quan điểm của tôi như văn kiện đã công bố: Đảng viên phải làm kinh tế không giới hạn phạm vi. Mà biết giới hạn thế nào, 5 người hay 10 người; số vốn bao nhiêu, chẳng nhẽ 1 tỷ thì được, 1,1 tỷ lại không được làm. Theo tôi, miễn là làm sao đúng luật pháp của Nhà nước, quy định của Đảng. Nên có quy định và báo cáo hôm nay nên sớm có điều đó.
Có nghĩa là cho Đảng viên làm kinh tế tư nhân và cũng đồng nghĩa với việc có thể kết nạp giám đốc doanh nghiệp tư nhân vào Đảng?
Không nên biến cái nọ thành cái kia, nên dừng lại ở chuyện chúng ta đang bàn đã rồi tình hình như thế nào qua thực tế mới xem xét. Đến 3 đại hội bàn mới được chứ không nên "cầm đèn chạy trước ôtô". Cuộc sống sẽ mách bảo chúng ta làm thế nào cho tốt chứ không nên chạy trước thực tế.
Bây giờ mới cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân có phải đã muộn?
Muộn hay không cũng khó nói. Chúng ta thảo luận mười mấy năm nay rồi. Phải đi đến đồng thuận chứ không thể vì một chủ trương mà chia rẽ trong Đảng. Bất kỳ chủ trương nào chia rẽ Đảng thì ta không nên làm.
Ta phải tìm được sự đồng thuận tương đối, đến khi sự việc chín muồi rồi có đồng thuận lớn mới thành sức mạnh được, chứ đưa ra một quyết định mà quá nhiều phân hóa thì thành sức yếu chứ không phải sức mạnh. Do đó nên quyết sách chính trị bao giờ cũng phải có đồng thuận tương đối. Nói sớm hay muộn nhiều khi do tâm tư chủ quan.
Người dân quan tâm đến việc đảng viên làm kinh tế tư nhân vì họ quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân có tồn tại lâu dài hay không, theo Phó Thủ tướng thì sao?
Trong báo cáo đã nói rõ, thành phần kinh tế tư nhân tồn tại lâu dài, cùng phát triển lâu dài, còn lâu đến đâu cuộc sống sẽ mách bảo.
Đại hội X đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế phát triển. Đại hội sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam?
Tôi tin rằng nếu làm đúng những chủ trương của Đại hội, nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển mới. Năm 1995 là một mốc lớn đưa kinh tế nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng thì 2005 đánh dấu một mốc mới Việt Nam từ nước chậm phát triển đến 2010 thành nước có thu nhập trung bình. Đạt được như vậy Đại hội đề ra mức tăng trưởng 7,5-8%/năm. Muốn cao hơn phải phát huy tiềm năng sẵn có. Với chính sách như thế, nền kinh tế sẽ phát triển thuận lợi hơn.
Đại hội này có đưa ra chính sách đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư vào Việt Nam?
Chính sách đầu tư nước ngoài là chính sách nhất quán từ năm 1987 đến nay. Từ khi có luật đầu tư chúng ta đã 4 lần đổi mới luật. Đại hội không bàn quá cụ thể như vậy nhưng có định hướng là coi đầu tư nước ngoài (không chỉ đầu tư trực tiếp mà cả gián tiếp) là kênh huy động vốn rất hiệu quả và nay đang có những tín hiệu rất thuận lợi. Cách tiếp cận này của Đại hội sẽ là tín hiệu tốt với các nhà đầu tư.
Nhưng trong quản lý vẫn còn vấn đề. Quản lý ODA của chúng ta có lỗ hổng, vậy lĩnh vực này được thay đổi như thế nào?
Việc này Chính phủ đã quan tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Hơn nữa đến giữa tháng 6, hội nghị các nhà tài trợ cũng bàn đến chuyện này.
Đến nay đã có tờ trình, đợi đến sau Đại hội sẽ chỉnh sửa, và cũng tranh thủ ý kiến của các tổ chức quốc tế, họ sẵn sàng chia sẻ. Mình phải hoàn thiện cơ chế hơn nữa chứ thế này đúng là có vấn đề.
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới có nói đến những hạn chế của mô hình ban quản lý dự án(PMU), hướng xử lý của chúng ta thế nào?
Bất luận trong trường hợp nào các dự án cũng phải có người lo, người phụ trách, vấn đề là cơ chế vận hành của các ban quản lý. Không thể để ai muốn làm gì thì làm. Đây là việc chúng ta đã bàn và sau đại hội sẽ quyết. Cần tìm ra hướng đi và cơ chế hợp lý nhất.
Xin cám ơn Phó Thủ tướng!
Theo Phạm Tuấn
VietNamnet