1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát phòng chống bão tại Thanh Hóa

(Dân trí) - Sáng nay 19/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thực tế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Xuống vùng ven biển kiểm tra, Phó Thủ tướng đã cùng dân đẩy một chiếc bè lên bờ, vào vùng tránh bão an toàn.

Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương này có gần 6.000 hộ với 24.624 khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét… cần sơ tán khi bão vào.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa

Ngoài ra, có 95 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, trong đó có 10 hồ không tích nước, 85 hồ tích nước hạn chế; 80 đập dâng bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn. Các chủ hồ, đập xây dựng xong phương án phòng chống lụt bão, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du cho công trình năm 2016 đảm bảo theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành công điện khẩn triển khai đến tất cả các ngành, các huyện, thị xã, thành phố; thành lập các đoàn công tác xuống địa bàn các huyện, thị xã ven biển để chỉ đạo công tác phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 3.

Hiện Thanh Hóa còn nhiều đoạn đê, nhiều hồ đập yếu, không đảm bảo yêu cầu phòng chống lụt bão như đê kè biển xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), đê kè biển xã Quảng Thái, kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương)…


Bà con nuôi tôm ven biển gia cố những đầm tôm.

Bà con nuôi tôm ven biển gia cố những đầm tôm.

Các ngành Công an, Biên phòng đã có kế hoạch huy động lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều, hồ đập, phương án phòng chống lũ cho vùng hạ du.

Sở GTVT bố trí lực lượng vật tư, phương tiện ứng cứu khi cầu đường có sự cố hư hỏng để đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông chính. Sở Công thương có kế hoạch dự trữ về lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khắc phục vụ cho nhân dân các huyện miền núi và các vùng xảy ra thiên tai, bão lụt.

Sở Y tế chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị sẵn sàng cho công tác sơ cứu, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thiên tai. Trong đó có 72 tổ vận chuyển cấp cứu, 34 đội phẫu thuật, 64 đội vệ sinh phòng dịch, 154 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 43 cơ số y dụng cụ, 640 giường bệnh.

Phó Thủ tướng ghi nhận công tác triển khai phòng chống bão số 3 của tỉnh Thanh Hóa
Phó Thủ tướng ghi nhận công tác triển khai phòng chống bão số 3 của tỉnh Thanh Hóa

Sở TT&TT có phương án đảm bảo liên lạc kịp thời, chính xác trong mọi tình huống tại các vùng miền trong tỉnh, cho các trạm khí thượng thủy văn …

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã ven biển rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển khi có lệnh; các huyện miền núi tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất; tổ chức kiểm tra công trình hồ, đập; chỉ đạo vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát và có phương án tiêu nước đệm, tiêu úng cho vùng trũng thấp; chủ động thực hiện giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tiêu úng và thoát nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận công tác chuẩn bị ứng phó với báo số 3 của tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ Tướng cho rằng nhiều năm trước đây, việc chống bão thường sử dụng những kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, hiện nay diễn biến thời tiết rất bất thường.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị, tiếp tục theo dõi, đặc biệt đài báo bão có nhẹ đi, bà con nuôi trồng thủy hải sản cũng đừng vì tiếc tài sản của mình mà bất chấp nguy hiểm ra biển. Đề nghị cơ quan Công an, Quân đội phải tăng cường lực lượng thuyết phục, làm sao đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết.

Kinh nghiệm một số năm nay, bão ít lo, đáng lo hơn là mưa sau bão hay còn gọi là hoàn lưu bão, rất nguy hiểm, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát phòng chống bão tại Thanh Hóa - 4

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát phòng chống bão tại Thanh Hóa - 5

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác và người dân đẩy tàu vào bờ ở huyện Hoằng Hóa

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác và người dân đẩy tàu vào bờ ở huyện Hoằng Hóa

Trong sáng 19/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã xuống vùng ven biển các xã Hoằng Trường, Hải Tiến và xã Hoằng Thanh của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống bão của các địa phương.

Qua ghi nhận thực tế, tất cả các tàu thuyền từ công suất nhỏ đến lớn đã vào nơi trú tránh an toàn. Tại bãi biển Hải Tiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số cán bộ và nhân dân đẩy một chiếc bè của ngư dân xã Hải Tiến đến nơi an toàn.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến 11h30 ngày 19/8, tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã có mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các địa phương ven biển.

Ninh Bình: Hoàn thành công tác phòng chống bão trước 12 tiếng

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống bão số 3, tỉnh Ninh Bình đã triển khai lực lượng, phòng chống bão theo phương án xong trước 12 tiếng.

Theo báo báo của UBND tỉnh Ninh Bình, đến 18h ngày 18/8, toàn tỉnh có 126 tàu thuyền với 374 ngư dân được kêu gọi vào bờ tránh trú bão an toàn. Hơn 366 lao động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản ở các bãi bồi, khu vực nuôi trồng thủy hải sản ven biển được di dời vào trong đê Bình Minh của huyện Kim Sơn.

1-1471584673595

Tại các vùng có nguy cơ ngập úng, lũ dâng cao như xã Yên Đồng, huyện Yên Mô; hồ Thường Xung và Thạch Quèn huyện Nho Quan, Ban chỉ huy PCTT & TKCN đã yêu cầu các địa phương di dời người dân đến nơi an toàn.

Ngoài chỉ đạo vận hành các máy bơm tiêu nước, tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu công ty điện lực đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện bơm tiêu úng. Các cột điện có nguy cơ gãy đổ cũng đã được công ty Điện Lực Ninh Bình khắc phục, chằng chống. Các cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp, nhà dân cũng được yêu cầu cắt tỉa cây cối bên cạnh, chằng chống đảm bảo an toàn…

Ghi nhận của PV Dân trí, đến 12h trưa 19/8, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bắt đầu có gió và đang mạnh dần lên, mưa tại đây cũng bắt đầu nặng hạt. Tại khu vực đê Bình Minh II và Bình Minh III, từ 4h sáng các lực lượng như: Bộ đội biên phòng, Công an, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương đã cấm không cho người dân đi qua khu vực này.

Lực lượng chức năng chốt chặn không cho người dân ra khỏi đê Bình Minh tránh nguy hiểm khi bão đổ bộ
Lực lượng chức năng chốt chặn không cho người dân ra khỏi đê Bình Minh tránh nguy hiểm khi bão đổ bộ

Tại các xã ven biển như: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung hệ thống loa phát thanh liên tục phát các bản tin về tình hình diễn biến của cơn bão. Đồng thời yêu cầu người dân sẵn sàng chủ động ứng phó với bão, tiếp tục chằng chống nhà cửa, chuẩn bị sẵn sàng lương thực thực phẩm… trước giờ bão đổ bộ.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng đã có mặt tại Trung tâm Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở huyện Kim Sơn để chỉ đạo công tác phòng chống bão tại đây.

Người dân ở các chòi nuôi ngao được đưa vào bờ từ chiều 18/8
Người dân ở các chòi nuôi ngao được đưa vào bờ từ chiều 18/8
Một hộ dân dùng lưới chằng chống nhà cửa tránh gió bão gây thiệt hại.
Một hộ dân dùng lưới chằng chống nhà cửa tránh gió bão gây thiệt hại.
Từ 12h trưa nay, gió mưa bão đã bắt đầu mạnh dần lên tại Ninh Bình
Từ 12h trưa nay, gió mưa bão đã bắt đầu mạnh dần lên tại Ninh Bình

Duy Tuyên - Thái Bá