1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến khẩn với Bắc Ninh, Bắc Giang

Bá Đoàn

(Dân trí) - Covid-19 bùng phát, chiều 16/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến khẩn với Bắc Ninh, Bắc Giang - 1

Chiều 16/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh TTXVV)

Bắc Ninh vẫn đang kiểm soát được tình hình

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Hương Giang cho biết, đến nay Bắc Ninh ghi nhận 221 ca mắc Covid-19, ổ dịch lớn tại xã Mão Điền cơ bản kiểm soát khi ghi nhận thêm ca mắc, nhưng tất cả các trường hợp mắc đã được cách ly. 

Tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị thần tốc truy vết, xác minh các trường hợp liên quan đến bệnh nhân Covid-19, nhất là những người từng đi/ đến/ ở/ về từ KCN Vân Trung và KCN Quang Châu (tỉnh Bắc Giang).

Địa phương cũng đang mở rộng đối tượng và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm như  triển khai lấy mẫu test nhanh cho công nhân tại các KCN, tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm diện rộng đến các đối tượng tại khu nhà trọ, ký túc xá cho người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến khẩn với Bắc Ninh, Bắc Giang - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Hương Giang tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.

Tỉnh đã vận hành 2 bệnh viện dã chiến với tổng quy mô 600  và 120 giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân Y 110, đồng thời đang sắp xếp, bố trí các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với tổng số 1.500 giường.

Liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp rà soát, kiểm soát các trường hợp tiếp xúc liên quan và khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại Bắc Giang đang sinh sống tại Bắc Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh, Bắc Ninh tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và đến thời điểm hiện tại vẫn đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, do địa bàn giáp ranh Bắc Giang, nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn hiện hữu, vì vậy đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cho Bắc Ninh nếu diễn biến phức tạp và Bắc Ninh gặp khó khăn trong công tác dập dịch.

Bắc Giang chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch tại khu công nghiệp

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, tỉnh xuất hiện 3 ổ dịch. Trong đó, ổ dịch ở huyện Lục Nam đã khoanh vùng, không có nguy cơ lây lan và phát sinh ca mắc.

Còn ổ dịch tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên) sau khi bùng phát đã lây ra 6 doanh nghiệp nhỏ cùng thuê xưởng của Công ty SJ Tech và lây sang công ty lân cận do công nhân đi cùng xe chở công nhân và ở cùng nhà trọ.

Hiện ổ dịch này có 169 F0. Theo đó, các F0 đến nay không phát hiện trong xưởng sản xuất mà chủ yếu là F1 đã cách ly tập trung. Dự báo, những ngày tới tiếp tục tăng F0 nhưng chủ yếu tăng trong khu cách ly.

Đối với ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên) ông Dương đánh giá đây là ổ dịch rất nguy hiểm, dù mới phát hiện hôm 14-5.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến khẩn với Bắc Ninh, Bắc Giang - 3

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

"Ngay khi phát hiện ban đầu test nhanh có 12 F0, sau đó chúng tôi giữ lại toàn bộ công nhân tại xưởng xét nghiệm nhanh có thêm hơn 100 trường hợp" - ông Dương cho biết.

Do công ty làm đồ điện tử trong nhà xưởng xây thấp, sử dụng điều hòa không khí, công nhân ngồi sát nên lây lan rất nhanh ra cả xưởng. Tất cả công nhân không có triệu chứng, hàng ngày làm đầy đủ những quy định đo thân nhiệt cũng không phát hiện, chỉ khi có 1 trường hợp bên ngoài liên quan thì xét nghiệm mới phát hiện ổ dịch lớn.

Ngay sau khi phát hiện, tỉnh giữ toàn bộ công nhân lại, xét nghiệm xong thì đưa đi cách ly, thông báo công nhân ở nhà tự cách ly và thông báo chính quyền địa phương quản lý.

Ổ dịch hiện có 150 F0. Hiện còn 83 mẫu gộp có kết quả dương tính, đến trưa nay (16/5) đã lấy xong và chiều nay chạy xét các mẫu này để rà soát. Hiện toàn bộ gần 4.000 công nhân Công ty Hosiden là F1, đến sáng nay đã đưa đi cách ly tập trung. Ông Dương cho biết tỉnh đã phong tỏa, cách ly điều tra truy vết tất cả người liên quan, đã xét nghiệm công nhân Khu công nghiệp Quang Châu.

"Chúng tôi xác định nguồn lây ở Công ty Hosiden từ ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung sang nhưng không lây trực tiếp mà vòng lây thứ ba, thứ tư" - ông Dương nói.

Theo chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã chấn chỉnh công tác điều tra, truy vết, tăng cường kiểm tra đôn đốc vai trò tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng. Chiều nay 16/5, tỉnh phong tỏa thêm một số khu vực có nhà trọ công nhân để lấy mẫu xét nghiệm rà soát cộng đồng.

Liên quan Khu công nghiệp Vân Trung, phong tỏa 4 thôn, tổ dân phố có công nhân, lấy mẫu xét nghiệm 28.000 người thì có 10 mẫu dương tính. Liên quan đến công nhân ở Khu công nghiệp Quang Châu, ngay sau khi phát hiện đã phong tỏa 2 thôn có nhiều công nhân và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.

Tỉnh đã giãn cách xã hội huyện Việt Yên, chiều nay giãn cách hai huyện Lạng Giang và Lục Nam, xem xét thêm huyện Yên Dũng. Lập ban chỉ huy tiền phương tại khu công nghiệp để xử lý các vấn đề nóng tại đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, khó khăn lớn nhất là tỉnh chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch tại khu công nghiệp, những lần trước các ca mắc ở cộng đồng, công tác lãnh đạo chỉ đạo, lực lượng y tế còn lúng túng, khó khăn trong việc dập dịch.

"Năng lực xét nghiệm còn hạn chế, trước khi xảy ra dịch năng lực của tỉnh 10.000 mẫu/ngày, sau đó vận động được các đơn vị 20.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp thì cần phải xét nghiệm công suất tới 200.000 mẫu/ngày. Hiện tỉnh đã báo cáo Bộ Y tế để tăng cường và một số địa phương, đơn vị hỗ trợ thì năng lực tối đa mới được 100.000 mẫu/ngày" - ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, cùng lúc phải điều trị trên 300 bệnh nhân mắc Covid-19, trong khi đó năng lực điều trị còn hạn chế do chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19. Hơn nữa, đội ngũ y bác sĩ cũng chưa có kinh nghiệm, máy móc phục vụ điều trị cũng thiếu. Trước những khó khăn trên, ông Dương đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia cử chuyên gia có kinh nghiệm phòng chống dịch về hỗ trợ tỉnh, hỗ trợ trang thiết bị vật tư, hóa chất, test nhanh, trang thiết bị điều trị bệnh nhân Covid-19.

"Hiện tỉnh đang rất cần một bệnh viện dã chiến, đề nghị Phó thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng giúp tỉnh dựng bệnh viện dã chiến và cử thêm lực lượng quân y để hỗ trợ điều trị" - ông Dương nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự cảm thông đối với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, vừa phải quyết định toàn diện mọi công việc trên các lĩnh vực, vừa bám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Nếu như chỉ có việc phòng, chống dịch Covid-19, thì an toàn nhất là quyết định cách ly toàn tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định là "chung sống an toàn với dịch bệnh" để thực hiện hiệu quả mục tiêu" kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. 

Nhấn mạnh Bắc Ninh và Bắc Giang tuy là 2 tỉnh nhưng gần như là một, vì khoảng cách địa lý rất gần. Vì vậy, ngoài KCN Quang Châu, cả 2 tỉnh cần bám sát tất cả các địa bàn, sàng lọc rất sớm, để có các giải pháp cần thiết. Kích hoạt toàn bộ hệ thống để truy vết, xét nghiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt phát huy hiệu quả vai trò của Tổ Covid cộng đồng, đồng thời động viên các doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã hoan nghênh 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã rất kiên định nguyên tắc truy vết nhanh nhất có thể và khoanh vùng gọn nhất có thể.

Ngoài ra, về phía Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và máy móc, khi các địa phương cần hỗ trợ. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, thành lập nhóm chuyên gia để chỉ huy điều trị từ xa bệnh nhân Covid-19 cho các địa phương. Trung ương sẽ tổ chức một đội tình nguyện hỗ trợ về công nghệ thông tin, "số hóa" để nắm bắt được toàn bộ các trường hợp liên quan đến Covid-19 và dự báo được tình hình - Phó Thủ tướng chỉ đạo.